Lạng Sơn: Tập trung khắc phục các vị trí cầu giao thông nông thôn bị hư hỏng

26/09/2024 20:14

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhiều công trình cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng ở nhiều hạng mục khác nhau. Hiện nay, UBND các huyện đang tập trung huy động nguồn lực để khắc phục các vị trí hư hỏng.

Lạng Sơn: Tập trung khắc phục các vị trí cầu giao thông nông thôn bị hư hỏng- Ảnh 1.

Cầu Nà Lốc, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan bị cuốn trôi đường dẫn

Theo thống kê sơ bộ của phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh có 65 vị trí cầu tạm do người dân lắp dựng bằng gỗ, tre bị lũ cuốn trôi và 21 cầu bê tông kết hợp đá xây, cầu treo bị hư hỏng nhiều hạng mục.

Trong đó, huyện Chi Lăng là địa bàn có số lượng cầu bị hư hỏng nhiều nhất với 15 vị trí; huyện Tràng Định 2 vị trí; huyện Văn Lãng 1 vị trí; huyện Văn Quan 2 vị trí và huyện Bắc Sơn 1 vị trí. Ước tổng thiệt hại tại 21 vị trí cầu bê tông cốt thép kết hợp đá xây, cầu treo khoảng 3 tỷ đồng, trong đó huyện Chi Lăng ước thiệt hại tại các vị trí cầu khoảng 2 tỷ đồng; các huyện còn lại khoảng 1 tỷ đồng.

Qua khảo sát thực tế, các vị trí cầu giao thông nông thôn bị hư hỏng phần lớn là đường dẫn lên cầu; dầm bê tông bị xê dịch; xói lở tứ nón; hư hỏng hệ thống lan can, biển cảnh báo.

Ngay sau khi xảy ra hư hỏng các vị trí cầu giao thông nông thôn, UBND các xã đã triển khai các biện pháp như: Đặt biển cảnh báo, huy động người dân khơi thông dòng chảy và sử dụng vật liệu tại chỗ để bảo đảm giao thông bước 1.

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2024, toàn tỉnh có 823 vị trí cầu, ngầm giao thông nông thôn gồm: 395 cầu bê tông cốt thép kết hợp đá xây; 318 ngầm, cống lớn; 10 cầu treo; 35 cầu dàn thép và dàn thép liên hợp, còn lại là cầu tre, gỗ. Do ảnh hưởng cơn bão số 3 có 86 vị trí cầu gỗ, tre, cầu bê tông cốt thép kết hợp đá xây đã bị hư hỏng. Hiện nay, các huyện và ngành liên quan đang khẩn trương cân đối nguồn lực để sửa chữa. Qua đó, khắc phục các vị trí giao thông bị chia cắt một cách sớm nhất.

Theo báo Lạng Sơn, ông Triệu Văn Thanh, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3, công trình cầu Phố Sặt bị cuốn trôi 30 m đường dẫn, khiến hoạt động giao thông bị chia cắt. Hiện nay, thị trấn đã đặt biển cảnh báo cấm phương tiện qua cầu và phối hợp với huyện thực hiện khảo sát đề xuất phương án khắc phục hư hỏng công trình với tổng kinh phí ước khoảng 600 triệu đồng.

Về việc huy động nguồn lực để khắc phục các vị trí cầu bị hư hỏng trên địa bàn huyện Chi Lăng, ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với các vị trí cầu bị xói lở mố, móng và những đoạn đường dẫn nhỏ, huyện đã yêu cầu các xã huy động nhân lực và sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của huyện để khắc phục, hiện nay đã khắc phục xong. Riêng các vị trí cầu bị hư hỏng nặng như cầu Quán Thanh, cầu Phố Sặt và một số vị trí cầu khác, UBND huyện đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát, thống nhất báo cáo tỉnh để có biện pháp xử lý.

Tại huyện Văn Quan, đường dẫn cầu Nà Lốc thuộc xã Đồng Giáp bị hư hỏng, đơn vị quản lý công trình đã báo cáo huyện và đề xuất phương án xử lý. Tương tự các huyện trên, đối với các vị trí cầu bị hư hỏng tại huyện Văn Lãng, Bắc Sơn và Tràng Định, các huyện cũng đã có phương án huy động nguồn lực để khẩn trương khắc phục các hư hỏng sớm đưa các công trình cầu vào khai thác trở lại.

Ông Hoàng Viết Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thông tin: Để bảo đảm giao thông tại các vị trí cầu giao thông nông thôn đã bị hư hỏng, sở đã đề nghị các huyện tổ chức theo dõi, huy động mọi nguồn lực, vật tư, phương tiện sẵn có tại chỗ để khắc phục tạm thời và bảo đảm giao thông bước đầu. Đồng thời, sở đã ban hành công văn số 2180 ngày 17/9/2024 về việc đề nghị các huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát an toàn các công trình cầu. Trên cơ sở đó, sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo và có phương án thực hiện đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa.


Bạn đang đọc bài viết "Lạng Sơn: Tập trung khắc phục các vị trí cầu giao thông nông thôn bị hư hỏng" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).