Sẽ bầu cử Quốc hội khoá XVI sớm, giữ số lượng 500 đại biểu

16/04/2025 12:17

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến diễn ra sớm hơn, dự kiến vẫn giữ 500 đại biểu.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra sáng 16/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt Chuyên đề "Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031".

Tỉnh thành sau sáp nhập hoạt động trước 15/9

Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa 15 liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mở ra cục diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu dài.

Sẽ bầu cử Quốc hội khoá XVI sớm, giữ số lượng 500 đại biểu- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).

Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung chính:

Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9,10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình.

Hai là, các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1988, 1989 và 2001). Dự kiến lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp từ ngày 6/5 đến ngày 5/6.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan, tổ chức theo phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách, đã tiến hành rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 của địa phương.

Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/8/2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/9/2025. Có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình, kế hoạch thực hiện.

Dự kiến số lượng 500 đại biểu

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 diễn ra trong bối cảnh có nhiều đổi mới trong Hiến pháp 2013; việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội.

Cuộc bầu cử lần này dự kiến diễn ra sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia tại kỳ họp thứ 9 tới.

Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026. Còn ngày 6/4/2026 sẽ họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.

"Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sẽ bầu cử Quốc hội khoá XVI sớm, giữ số lượng 500 đại biểu- Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm mới lần này là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử, trong quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên và công bố kết quả bầu cử.

Thông tin về số lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội vẫn giữ 500 đại biểu, trong đó tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%.

Định hướng chung về cơ cấu đó là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỉ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.

Còn số lượng đại biểu HĐND sẽ căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm thì có hai Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Khai mạc Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11

Ở cấp xã (gồm xã, phường, đặc khu), cơ cấu đại biểu chuyên trách ở Hội đồng nhân dự kiến là một Phó chủ tịch và hai Phó trưởng ban.

Cơ cấu đại biểu HĐND được thực hiện theo định hướng, đại biểu là người ngoài Đảng phấn đấu đạt tỉ lệ không dưới 10% ở từng cấp.

Đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỉ lệ không dưới 15%. Đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỉ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ.

Bảo đảm tỉ lệ hợp lý là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.

Đặc biệt, nhằm quán triệt yêu cầu được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, tiêu chuẩn cao nhất để lựa chọn đại biểu lần này là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác.

Ngoài ra, còn có các điểm mới trong tiêu chuẩn như ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật...

Bạn đang đọc bài viết "Sẽ bầu cử Quốc hội khoá XVI sớm, giữ số lượng 500 đại biểu" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).