
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến trình bày tờ trình tại phiên họp
Trình bày tờ trình về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực kể từ 01/7/2008. Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Vì vậy, việc ban hành Luật Dẫn độ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực dẫn độ nói riêng.
Mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ là hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các ĐƯQT về dẫn độ.
Về quan điểm xây dựng Luật, Luật Dẫn độ được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các chính sách còn phù hợp của Luật TTTP (phần về dẫn độ) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, Luật Dẫn độ sẽ bổ sung các nội dung mới phù hợp với pháp luật quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của hội nhập quốc tế nói chung và trong hoạt động dẫn độ nói riêng qua đó tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về dẫn độ.
Việc xây dựng Luật mới một mặt cần đảm bảo khắc phục được các hạn chế, bất cập hiện nay; mặt khác cần cắt giảm quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu TTTP, cắt, giảm chi phí đảm bảo đổi mới bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả phù hợp với các định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết số 18.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 5 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 01 điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật-Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Khoản 1 Điều 13 quy định về trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ.
Ủy ban Pháp luật-Tư pháp của Quốc hội tán thành với quy định này của dự thảo Luật và nhận thấy đây là vấn đề mới, quan trọng. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, còn có trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định để xử lý trường hợp này. Vì vậy, ông Tùng đề nghị quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình.
Về xử lý trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam, Khoản 2 Điều 23 quy định trường hợp nước ngoài từ chối yêu cầu dẫn độ để thi hành án của Việt Nam thì lập yêu cầu TTTP về hình sự gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để yêu cầu nước ngoài công nhận và thi hành bản án đó tại nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật-Tư pháp của Quốc hội đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng là người nước ngoài hay công dân Việt Nam. Trường hợp đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam thì đề nghị đánh giá tác động và cân nhắc tính khả thi của quy định này vì đây là vấn đề mới, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định này và dự án Luật TTTP về hình sự không quy định vấn đề này thuộc phạm vi TTTP về hình sự. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, làm rõ và trường hợp cần thiết thì đề nghị bổ sung vấn đề này vào dự thảo Luật TTTP về hình sự để có cơ sở thực hiện.
Về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, Điều 31 quy định về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức từ phía nước ngoài.
Ủy ban Pháp luật-Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, đây là quy định mới nhằm nội luật hóa cam kết của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ, phù hợp với thông lệ quốc tế, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế, do đó, cơ bản tán thành với nội dung nêu trên của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Luật TTTP hiện hành không quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp khi nước ngoài chưa có yêu cầu chính thức. Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ khi tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất và thực hiện quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật này về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ mà không cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đề xuất Bộ Công an là cơ quan lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Cũng trong chiều 15/4, trình bày tờ trình về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Dự thảo luật gồm 5 chương, 45 điều. So với quy định của Luật TTTP năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 1 điều và 2 quy định.
Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho hay, Điều 5 dự thảo luật quy định điều kiện và cơ quan chủ trì xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Bộ Công an).
Về thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao, Điều 7 dự thảo luật quy định người đang chấp hành án phạt tù chỉ có quyền rút lại đơn xin chuyển giao trước khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận hoặc quyết định thi hành quyết định chuyển giao có hiệu lực. Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc người đang chấp hành án phạt tù tùy tiện rút đơn xin chuyển giao gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí cho cả Việt Nam và nước ngoài.
Anh Thơ