Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo

16/04/2025 12:17

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt.

Cơ hội quyết định sự thịnh vượng của quốc gia

Sáng 16/4, phát biểu tại Lễ khai mạc tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trong những năm gần đây, Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.

Theo Brand Finance, năm 2024, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.

“Đây là kết quả đáng tự hào, khẳng định hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng mà chúng ta đã kiên định theo đuổi”, ông Tân nói.

Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Từ kết quả này, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh diễn đàn năm nay với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” tiếp tục khẳng định tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong xây dựng thương hiệu quốc gia thời kỳ mới.

“Đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sự khác biệt bền vững trong môi trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế số lan tỏa, xu hướng tiêu dùng xanh – sạch – thông minh lên ngôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và tiên phong sáng tạo”, ông Tân nhấn mạnh.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai, là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất ở cấp quốc gia.

Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo- Ảnh 2.

Lễ khai mạc tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025.

Với các giá trị cốt lõi: Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong, Chương trình đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của thương hiệu quốc gia càng trở nên cấp thiết.

Nói về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam nhấn mạnh đổi mới, sáng tạo là yếu tố then chốt để tạo dựng thương hiệu mạnh và khác biệt trên thị trường toàn cầu.

Về đầu tư cho đổi mới sáng tạo, 2,62% là tỉ lệ chi tiêu trung bình R&D (nghiên cứu và phát triển) trên doanh thu của các doanh nghiệp THQG. 0,4% GDP là mức đầu tư R&D của Việt Nam, trong khi các nước như Thái Lan là 1,3%, Singapore là 2,2%, Malaysia là 1%, Trung Quốc 2,64%, Nhật Bản 3,7%.

Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo- Ảnh 3.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam

Đặc biệt, 100% doanh nghiệp THQG có bộ phận R&D và thường xuyên nghiên cứu và cải tiến sản phẩm hiện có, 85% doanh nghiệp THQG có sản phẩm mới ra mắt trong năm 2022 – 2023. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ KH&CN năm 2023, chỉ có 29,7% doanh nghiệp được điều tra có.

Theo đó, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia. Tùy từng thời kỳ, cách tiếp cận trong xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia có thể thay đổi.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng và là yếu tố tích cực, hiệu quả tạo nên thương hiệu quốc gia.

“Đổi mới sáng tạo vừa là thách thức, vừa là cơ hội, quyết định sự thịnh vượng của doanh nghiệp, của quốc gia”, ông Chiến nhấn mạnh.

Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ câu hỏi "tại sao?"

Phân tích về vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu, ông Nguyễn Việt An – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Cục Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) lấy dẫn chứng về Bát Tràng như một mô hình tiêu biểu cho việc gắn kết giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo trong phát triển thương hiệu làng nghề.

Theo ông An, Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống lâu đời mà còn đặc biệt ở cách làm thương hiệu. Hàng trăm doanh nghiệp cùng hoạt động tại đây nhưng đều lấy Bát Tràng làm “thương hiệu chung”, vừa cạnh tranh vừa hỗ trợ nhau, cùng xây dựng hệ sinh thái sáng tạo với các tổ chức chuyên nghiệp đứng sau.

Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Việt An – Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Cục Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bát Tràng không cạnh tranh bằng giá cả hay sản lượng, mà chọn lối đi tinh xảo, đậm bản sắc, tạo nên giá trị bền vững và khác biệt – một kiểu đổi mới sáng tạo rất Việt Nam.

“Bát Tràng là một bài học quý. Khi biết tận dụng lợi thế riêng, kết hợp với đổi mới sáng tạo, làm thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp, làng nghề truyền thống Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra toàn cầu”, ông Nguyễn Việt An nhấn mạnh.

Trình bày kinh nghiệm thực tế về đổi mới sáng tạo trong xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành Marketing, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết Vinamilk phát triển từ một cơ sở sản xuất thiếu thốn trăm bề với chỉ một sản phẩm năm 1976.

Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Quang Trí - Giám đốc điều hành Marketing, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).

Hiện tại, nhờ đổi mới sáng tạo Vinamilk đã vươn lên thành thương hiệu sữa số 6 trên thế giới. Tuy nhiên, “vị thế dẫn đầu hôm nay không đảm bảo vẫn là nhà vô địch trong tương lai” - chưa kể đến cách thách thức trong bối cảnh mới.

Vì vậy, Vinamilk đã tái khẳng định là một thương hiệu uy tín, luôn đổi mới sáng tạo. Vinamilk "không chỉ đơn thuần giữ vững thương hiệu, mà luôn làm mới mình để khách hàng cảm nhận rõ sự tiến bộ, đẳng cấp quốc tế nhưng vẫn với mức giá hợp lý”.

Thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt NamBộ Tài chính: Thúc đẩy nhân lực trẻ để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Chia sẻ về những giải pháp trong tương lai, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Nguyễn Việt An cho biết các doanh nghiệp cần tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác từ các đối tác toàn cầu, cả về nguồn lực, tầm nhìn, và cơ hội. “Muốn “chơi” được với quốc tế, trước hết phải kết nối được với họ đúng thời điểm”, ông An nhấn mạnh.

Theo đó, thay vì bắt đầu bằng câu hỏi “làm thế nào?”, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ “tại sao?”. Khi các doanh nghiệp hiểu rõ mục tiêu, lý do, động lực, các doanh nghiệp sẽ huy động được sức mạnh lớn từ đội ngũ nội bộ, lãnh đạo doanh nghiệp, nhân sự trong tổ chức.

Hiện nay, không gian hợp tác toàn cầu đang rất rộng mở. Việt Nam là đối tác tốt của nhiều quốc gia, có nhiều cơ hội đến từ các thị trường khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp cần phải quan sát nhanh nhạy để nhận ra thời cơ phù hợp.

Trong bối cảnh thay đổi liên tục như hiện nay, nếu doanh nghiệp không xác định được giá trị cốt lõi thì rất dễ mất phương hướng. Các doanh nghiệp cần có sự chủ động khi lựa chọn công nghệ, sản phẩm, mô hình phù hợp, thay vì bị cuốn theo dòng chảy biến động của thị trường.

Thanh Loan - Quỳnh Chi

Bạn đang đọc bài viết "Muốn "chơi" với thế giới, doanh nghiệp Việt phải bứt phá đổi mới sáng tạo" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).