Đại án Vạn Thịnh Phát: Giúp việc nhà của Trương Mỹ Lan giúp sức cho chủ rửa tiền thế nào?

25/09/2024 17:00

Tài xế và giúp việc của Trương Mỹ Lan không có vai trò gì trong việc vay khống, giải ngân hay thực hiện các hành vi liên quan đến nghiệp vụ. Nhưng, họ lại là những người nhận, quản lý, vận chuyển số tiền đặc biệt lớn, sau khi tiền được giải ngân từ SCB.

9 bị cáo rửa tiền từ nguồn tiền tham ô của SCB và tiền lừa đảo trái phiếu

Sáng 25/9, phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm (giai đoạn 2) xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, tiếp tục phần xét hỏi đối với nhóm bị cáo bị cáo buộc tội danh Rửa tiền.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Giúp việc nhà của Trương Mỹ Lan giúp sức cho chủ rửa tiền thế nào?- Ảnh 1.

Các bị cáo bị cáo buộc hành vi rửa tiền đều khai làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Về hành vi rửa tiền, cáo trạng xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền gần 446.000 tỷ đồng có được từ hành vi phạm tội Tham ô tài sản của SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 35.000 bị hại mua trái phiếu.

Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (đều là cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công (Giám đốc Công ty Acumen) lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB.

Hành vi này nhằm che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có, hợp pháp hóa toàn bộ số tiền hơn 446.000 tỷ đồng để sử dụng cho các mục đích theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở SCB - Chi nhánh Sài Gòn (SCB Sài Gòn) theo quy trình do Trương Mỹ Lan chỉ đạo.

Sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, Thái Thị Thanh Thảo thông báo cho Trần Thị Thúy Ái, kiểm soát viên ngân quỹ của SCB Sài Gòn để xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) tại hầm Bl, trụ sở SCB Sài Gòn để Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pateur, quận 3, Tp.HCM và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan).

Bị cáo Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Một phần tiền phạm tội khác được Bùi Văn Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (tại địa chỉ số 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, Tp.HCM) giao cho Trần Xuân Phượng (Trợ lý cho Ngô Thanh Nhã); một số trường hợp, Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

9 bị cáo bị xét xử về tội Rửa tiền đều thừa nhận hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Phương Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) được xem là "mắt xích" kết nối giữa Trương Mỹ Lan và các đồng phạm khác.

Tại tòa, Nguyễn Phương Anh thừa nhận đã phối hợp với lãnh đạo SCB lập các khoản vay khống để rút tiền mặt ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Phương Anh cũng là người trực tiếp theo dõi việc thu chi nguồn tiền từ tham ô tài sản của SCB và từ nguồn tiền lừa đảo trái phiếu, vay ngân hàng khác.

Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của bà Lan, từ 7/3/2018 đến 1/8/2019, Phương Anh đã sử dụng 3 công ty: Blue Pearl, Sài Gòn Penninsula và Easter View, chuyển hơn 256 triệu USD (tương đương hơn 5.900 tỷ đồng) ra nước ngoài.

Thực hiện các hành vi phạm tội trên, Nguyễn Phương Anh khai làm theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung. Tuy nhiên, Trần Thị Mỹ Dung phủ nhận chỉ đạo Phương Anh.

Theo bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh là người của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên Dung chỉ phối hợp chứ không thể chỉ đạo. Theo bị cáo Dung, khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc SCB, bị cáo làm theo những gì đã có từ các thế hệ lãnh đạo trước.

"Bị cáo nhận chỉ đạo từ chị Lan (bị cáo Trương Mỹ Lan – PV) trong việc phối hợp với Nguyễn Phương Anh lên phương án vay, giải ngân tiền từ SCB", bị cáo Trần Thị Mỹ Dung khai và cho biết thêm, bản thân bị cáo là người tạo nguồn tiền cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB, còn sau đó dòng tiền đó đi đâu, chi tiêu thế nào thì bị cáo không nhớ".

Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) cũng thừa nhận sai phạm và khai biết việc sử dụng tiền sau giải ngân của nhóm các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là sai. Tuy nhiên, thời điểm Hoàng làm Phó tổng SCB thì SCB rất khó khăn, các khoản vay đến hạn liên tục.

"Bị cáo chỉ mong góp sức mình vào việc tái cơ cấu thành công SCB chứ không được hứa hẹn gì. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết hành vi của mình là sai và cảm thấy rất buồn vì quá trình tái cơ cấu SCB còn dang dở", Trương Khánh Hoàng nói.

Tài xế, giúp việc nhà bị cuốn vào "vòng xoáy" của Trương Mỹ Lan

Đáng chú ý, trong số 9 bị cáo bị truy tố về hành vi rửa tiền, có 2 bị cáo "đặc biệt". Đó là Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) và Trần Thị Thúy Uyên (trợ lý của Trương Mỹ Lan).

Cả hai bị cáo thật ra không có vai trò gì trong việc vay khống, giải ngân hay thực hiện các hành vi liên quan đến nghiệp vụ, nhưng lại là những người nhận, quản lý, vận chuyển số tiền đặc biệt lớn sau khi tiền được giải ngân từ SCB Sài Gòn.

Khai tại tòa, bị cáo Bùi Văn Dũng cho rằng, ngoài việc đưa, đón Trương Mỹ Lan đi làm, Dũng còn được chỉ đạo liên hệ với Trần Thị Thúy Ái (cựu Thủ quỹ SCB Sài Gòn) để nhận tiền đưa về cho Trần Thị Thúy Uyên, Trần Xuân Phượng (thư ký của bị cáo Ngô Thanh Nhã) hoặc giao tiền cho nhiều người khác theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Tuy nhiên, theo bị cáo Dũng thì bị cáo không biết số tiền này bà Lan có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản tiền của SCB và bị cáo Dũng cũng không được hưởng lợi gì.

Còn bị cáo Trần Thị Thúy Uyên khai, hồ sơ vụ án nêu bị cáo là trợ lý của bà Trương Mỹ Lan, nhưng thực tế mình chỉ là giúp việc nhà cho gia đình bà Lan. "Để hợp thức hóa việc trả lương, bị cáo được bà Lan cho phong chức trợ lý", bị cáo Uyên nói.

Cũng theo Uyên, ngoài giúp việc nhà, bị cáo được bà Lan giao nhiệm vụ theo dõi các thẻ ngân hàng của vợ chồng bà Lan và 2 người con. Theo đó, mỗi khi ngân hàng gửi sao kê, bị cáo nhìn vào tên xem chi tiêu của từng người rồi báo cáo bà Lan và báo cho các chủ thẻ kiểm tra có đúng hay không.

Bên cạnh đó, bị cáo Uyên cũng thừa nhận đã nhận hơn 5.800 tỷ đồng từ bị cáo Bùi Văn Dũng và không biết nguồn tiền này từ đâu mà có. Số tiền này sau đó được giao cho nhiều người, khi có sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bạn đang đọc bài viết "Đại án Vạn Thịnh Phát: Giúp việc nhà của Trương Mỹ Lan giúp sức cho chủ rửa tiền thế nào?" tại chuyên mục Pháp Luật. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).