“Trợ lý" đặc biệt của bệnh nhân, bác sĩ

13/04/2025 13:00

Công nghệ số hóa đang trở thành “trợ lý” thầm lặng, giúp bác sĩ giảm tải áp lực, tập trung hơn vào điều trị. Khi dữ liệu biết “chạy”, quy trình y tế vận hành thông minh, bệnh nhân cũng được chăm sóc tốt hơn.

Thăm khám nhanh hơn, chẩn đoán chính xác hơn

Tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi buổi sáng, khi đến giờ thăm khám, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Anh bước vào phòng bệnh với máy tính bảng hoặc máy đi buồng, thay vì sổ sách và hồ sơ giấy như trước đây.

Từ khi hệ thống Hồ sơ Bệnh án điện tử được thí điểm triển khai vào năm 2024, quy trình làm việc của đội ngũ điều dưỡng tại Trung tâm đã trở nên gọn nhẹ và hiệu quả hơn nhờ việc số hóa toàn bộ thông tin bệnh nhân.

Theo chị Ngọc Anh, trước đây, mỗi lần đi buồng, chị phải ghi chép thông tin bệnh nhân ra giấy, sau đó mới cập nhật lại vào hồ sơ. Giờ đây, chỉ với vài thao tác trên máy tính bảng, chị có thể nhập dữ liệu ngay lập tức, giúp tiết kiệm thời gian và tập trung nhiều hơn vào việc theo dõi, chăm sóc người bệnh.

"Chỉ cần chạm vào tên bệnh nhân, mọi thông tin đều hiển thị đầy đủ, giúp chúng tôi làm việc chính xác và thuận tiện hơn", chị Ngọc Anh chia sẻ với Người Đưa Tin.

Clip: Từ khi hệ thống Hồ sơ Bệnh án điện tử được thí điểm triển khai vào năm 2024, quy trình làm việc của đội ngũ điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai trở nên thuận tiện hơn.

Không chỉ giúp đội ngũ y tế làm việc hiệu quả hơn, hệ thống Bệnh án điện tử còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân. Bà Trần Thị Lan (Yên Bái), một bệnh nhân vào viện vì khó thở với nhiều bệnh nền, u tiểu não đã phẫu thuật, chia sẻ sự thuận tiện mà hệ thống này mang lại.

"Mấy năm trước, khi xuống Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, tôi phải mang theo cả xấp hồ sơ, giấy tờ từ những lần khám trước.

Năm nay, tôi chỉ cần mang căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ có bệnh án điện tử, toàn bộ thông tin bệnh lý của tôi đều được lưu trữ trên hệ thống, giúp bác sĩ dễ dàng tra cứu mà không lo thất lạc", bà Lan vui mừng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có những trải nghiệm tích cực khi nhập viện tại Bạch Mai.

"Chỉ mất khoảng 10 phút để hoàn tất thủ tục, sau đó tôi có thể quét mã để tạm ứng viện phí mà không cần xếp hàng chờ đợi tại quầy thu ngân như trước đây", anh Hưng chia sẻ.

Không chỉ giúp tối ưu quy trình tiếp nhận bệnh nhân, hệ thống này còn nâng cao tính chính xác trong việc nhập liệu. Ngay tại giường bệnh, bác sĩ và điều dưỡng có thể đo huyết áp, khai thác tiền sử bệnh rồi nhập trực tiếp vào hệ thống bằng máy tính bảng, máy đi buồng giúp việc quản lý hồ sơ trở nên minh bạch và khoa học hơn.

Đánh giá tác động của công nghệ đối với hoạt động khám chữa bệnh, Ths. BS Nguyễn Ngọc Dương - Trung tâm Cấp cứu A9 khẳng định: “Khi các thủ tục hành chính được cắt giảm, nhân viên y tế có thêm thời gian để tập trung chăm sóc bệnh nhân, đẩy nhanh quá trình khám, chữa bệnh và đưa ra y lệnh kịp thời. Mọi thông tin được đồng bộ giúp việc chẩn đoán chính xác và hiệu quả hơn”.

“Trợ lý" đặc biệt của bệnh nhân, bác sĩ- Ảnh 1.

Ngay tại giường bệnh, bác sĩ và điều dưỡng có thể đo huyết áp, khai thác tiền sử bệnh rồi nhập trực tiếp vào hệ thống bằng máy tính bảng, máy đi buồng giúp việc quản lý hồ sơ trở nên minh bạch và khoa học hơn.

BS. Dương thừa nhận, giai đoạn đầu triển khai bệnh án điện tử, nhân viên y tế không tránh khỏi tâm lý e ngại, bỡ ngỡ trước sự thay đổi. Tuy nhiên, sau quá trình tập huấn và thực hành, mọi người nhanh chóng làm chủ công nghệ.

“Giờ đây, chúng tôi đã quen với việc liên thông dữ liệu giữa các khoa phòng, kiểm tra thông tin bệnh nhân trên hệ thống. Nếu phải quay lại bệnh án giấy, đó thực sự là một bước lùi. Trước đây, bệnh nhân cần thực hiện nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, mang kết quả đi giữa các khoa.

Nếu làm mất, họ phải xét nghiệm lại, gây tốn thời gian, chi phí. Với bệnh án điện tử, bác sĩ chỉ cần nhập mã điều trị của bệnh nhân, mọi thông tin đều hiển thị rõ ràng, giúp quá trình chẩn đoán và điều trị chính xác, thuận tiện hơn rất nhiều”, BS Dương nhấn mạnh.

Ngoài bệnh án điện tử, Bệnh viện Bạch Mai còn triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và quản lý y tế như:

Bạch Mai Care – trợ lý số cá nhân giúp bệnh nhân dễ dàng tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc và đặt lịch hẹn trực tuyến, giảm thời gian chờ đợi.

Bạch Mai Office – hệ thống văn phòng điện tử thông minh, cho phép lãnh đạo duyệt hồ sơ và chỉ đạo công việc từ xa, đảm bảo quy trình hành chính nhanh gọn, minh bạch.

DashBoard – phần mềm quản lý tổng thể, giúp lãnh đạo theo dõi hoạt động của từng khoa phòng, điều phối nhân lực hiệu quả.

"Không nói khó, không nói không” trong chuyển đổi số y tế

Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Vũ Văn Giáp – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, quyết định sự phát triển bền vững của ngành y tế. 

Nhận thức rõ điều đó, bệnh viện đã chủ động huy động mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp công nghệ để đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong hoạt động khám chữa bệnh. 

Một trong những bước tiến nổi bật chính là triển khai bệnh án điện tử – giải pháp giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị và mang lại trải nghiệm thuận tiện hơn cho bệnh nhân. 

“Trợ lý" đặc biệt của bệnh nhân, bác sĩ- Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Văn Giáp – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân.

Việc số hóa hồ sơ bệnh án đã khắc phục những hạn chế của mô hình y tế truyền thống. Nếu trước đây, bác sĩ phải mất thời gian tìm kiếm hồ sơ giấy, dễ xảy ra sai sót trong ghi chép, thì nay, toàn bộ thông tin bệnh nhân được lưu trữ đồng bộ, giúp việc truy xuất dữ liệu nhanh chóng, chính xác. 

Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, khi bác sĩ có thể theo dõi xuyên suốt lịch sử điều trị, đưa ra phác đồ phù hợp, nâng cao tính liên tục trong chăm sóc sức khỏe. 

“Hiện tại, 100% bệnh nhân điều trị tại Bạch Mai không còn sử dụng bệnh án giấy hay phải in phim. Chỉ riêng hai yếu tố này đã giúp bệnh viện tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm”, ông Vũ Văn Giáp cho biết.

Không chỉ dừng lại ở lợi ích nội bộ, bệnh án điện tử và việc liên thông dữ liệu y tế trên toàn quốc còn mang đến giá trị kinh tế rất lớn. Khi các xét nghiệm, hình ảnh chẩn đoán từ một bệnh viện có thể được sử dụng tại các cơ sở y tế khác, người bệnh sẽ không phải thực hiện lại nhiều lần, giúp giảm thiểu chi phí và tránh lãng phí nguồn lực. 

Theo ông Giáp, con số tiết kiệm sẽ không chỉ dừng ở 100 tỷ đồng của Bạch Mai mà có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng trên phạm vi cả nước. 

Đáng chú ý, việc liên thông dữ liệu còn mở ra cơ hội hợp tác chuyên môn thuận lợi giữa các tuyến bệnh viện. Một bác sĩ tại Bạch Mai có thể đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh từ bệnh viện tuyến tỉnh như Lào Cai, hỗ trợ hội chẩn từ xa, đưa ra phương án điều trị kịp thời mà không cần bệnh nhân phải di chuyển về tuyến trên. 

“Trợ lý" đặc biệt của bệnh nhân, bác sĩ- Ảnh 3.

Hệ thống Bệnh án điện tử còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.

Bên cạnh tối ưu quy trình, hệ thống bệnh án điện tử còn là nền tảng quan trọng phục vụ nghiên cứu y học. Dữ liệu bệnh nhân không chỉ giúp cải thiện chính sách y tế mà còn thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị. 

Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh y khoa như MRI, CT, nội soi phế quản, giúp phát hiện sớm ung thư phổi ngay từ khi tổn thương còn rất nhỏ. Nhờ đó, bác sĩ có thể can thiệp kịp thời, nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí và gia tăng cơ hội sống cho bệnh nhân. 

Không chỉ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuyển đổi số còn tối ưu hóa chi phí vận hành. Việc cắt giảm chi phí in phim, giấy tờ hành chính và đơn giản hóa thủ tục giúp bệnh viện tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Khoản tiết kiệm này tiếp tục được tái đầu tư vào nâng cấp hạ tầng công nghệ, hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số, tạo ra lợi ích bền vững cho người bệnh.

Theo ông Giáp, để chuyển đổi số thực sự đi vào thực tiễn, các đơn vị y tế cần thay đổi tư duy, xác định trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết thực hiện theo phương châm: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; “Không nói không, không nói khó”; “Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”. 

Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng trăm ca mắc sởi, nhiều trường hợp nguy kịchThủ tướng mong Bệnh viện Bạch Mai sớm trở thành bệnh viện uy tín hàng đầu khu vực

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần xây dựng chiến lược dài hạn, đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực chuyên sâu và tạo sự đồng thuận giữa nhân viên y tế với bệnh nhân. 

Có như vậy, quá trình chuyển đổi số mới thực sự hiệu quả và bền vững. 

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án 06 về chuyển đổi số trong y tế, đẩy mạnh liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, khai thác hiệu quả dữ liệu lớn và ứng dụng AI theo hướng “Trí tuệ Việt Nam – Khát vọng Việt Nam”. 

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, bệnh viện mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Y tế trong việc đầu tư hạ tầng công nghệ, thúc đẩy phát triển các nền tảng y tế số tiên tiến.

(Còn tiếp)

Kim Thoa - Hoàng Bích


Bạn đang đọc bài viết "“Trợ lý" đặc biệt của bệnh nhân, bác sĩ" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).