Cần chế tài đủ mạnh với đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử

14/04/2025 13:30

Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam Trần Quý Tường cho rằng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, cần có những giải pháp mang tính đột phá và triển khai đồng bộ.

Cơ hội và thách thức trên hành trình chuyển đổi số

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế – nơi công nghệ đóng vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Cũng giống như nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Phụ Sản Hà Nội và các bệnh viện khác, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tích cực triển khai chuyển đổi số, mang đến những thay đổi đột phá trong công tác khám, chữa bệnh.

Mỗi ngày, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận từ 2.000 đến 3.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và quản lý khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú. Hiện nay, bệnh viện đang theo dõi hơn 6.000 bệnh nhân tăng huyết áp, khoảng 3.000 bệnh nhân đái tháo đường, 1.000 bệnh nhân viêm gan B, 1.500 bệnh nhân hen suyễn cùng nhiều trường hợp mắc bệnh mạn tính khác.

Sự bùng nổ của chuyển đổi số trong y tế đã mang đến bước ngoặt quan trọng cho Xanh Pôn, giúp việc quản lý bệnh nhân trở nên khoa học, hiệu quả hơn. Nhờ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, toàn bộ thông tin được lưu trữ có hệ thống, hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị tối ưu.

Clip: Việc áp dụng công nghệ số tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh mà còn tạo nền tảng cho mô hình y tế thông minh.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS.BS Lương Đức Dũng - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, chuyển đổi số giúp đội ngũ y bác sĩ tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ khoa học, công nghệ mới, giảm thiểu nguy cơ sai sót, nâng cao an toàn cho bệnh nhân. 

Đồng thời, việc kết nối liên tuyến cũng trở nên dễ dàng hơn, giúp hội chẩn và tư vấn từ xa một cách hiệu quả. Các nền tảng số còn hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, giám sát chặt chẽ quy trình và phác đồ điều trị, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, bệnh viện đang triển khai chiến lược 1-2-3, gồm: “Người bệnh là người thân; Truyền thống trăm năm – Tiên phong công nghệ; Ba trụ cột: chuyên môn cao, dịch vụ tốt, văn hóa Hà Nội”. 

Nhờ đó, tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân tăng mạnh, đạt mức trung bình 95% sau khi áp dụng chuyển đổi số. 

"Đây là con số mang nhiều ý nghĩa, trở thành động lực để bệnh viện tiếp tục đổi mới và hoàn thiện dịch vụ. Chuyển đổi số được xem là bước tiến quan trọng, không đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà còn góp phần nâng cao toàn diện trải nghiệm chăm sóc sức khỏe cho người bệnh", BS. Dũng nhấn mạnh.

Việc áp dụng công nghệ số tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn không nhưng giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh mà còn tạo nền tảng cho mô hình y tế thông minh. Các công nghệ như ki-ốt thông minh, hồ sơ bệnh án điện tử, trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót mà quan trọng nhất là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Tuy nhiên, hành trình này cũng đặt ra không ít thách thức. Theo BS.Lương Đức Dũng, bài toán tài chính là một trong những rào cản lớn. Việc đầu tư hệ thống công nghệ thông tin từ phần cứng, phần mềm đến đào tạo nhân lực đòi hỏi nguồn vốn lớn. 

Chi phí bảo trì, nâng cấp cũng tạo áp lực đáng kể. Bên cạnh đó, hạ tầng dữ liệu chưa đồng bộ giữa các bệnh viện gây khó khăn cho việc kết nối và chia sẻ thông tin.

Cần chế tài đủ mạnh với đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử- Ảnh 1.

Khu vực đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Cần chế tài đủ mạnh với đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử- Ảnh 2.

Nhờ áp dụng chuyển đổi số mà tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân tăng mạnh, đạt mức trung bình 95%.

Một thách thức khác đến từ chính đội ngũ y tế. Không phải nhân viên nào cũng dễ dàng thích nghi với công nghệ mới, đòi hỏi thời gian và nguồn lực để đào tạo. Việc áp dụng hệ thống số hóa cũng có thể làm gián đoạn các quy trình truyền thống, ảnh hưởng đến hiệu suất tạm thời của bệnh viện.

“Đặc biệt, chi phí ứng dụng công nghệ chưa được kết cấu trong giá viện phí bảo hiểm y tế, khiến bệnh viện gặp khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí phục vụ bệnh nhân BHYT”, BS. Dũng cho hay.

Ngoài ra, sự đổi mới không ngừng của công nghệ y tế, từ hồ sơ y tế cá nhân, khám chữa bệnh từ xa đến trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị, cũng đặt ra áp lực cho đội ngũ y bác sĩ. Họ buộc phải không ngừng cập nhật kiến thức, làm chủ công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe.

Không chỉ vậy, áp lực công việc ngày càng gia tăng. Số lượng bệnh nhân lớn, nhu cầu khám chữa bệnh toàn diện đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải làm việc hết công suất, ít có thời gian dành cho bản thân và gia đình.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm đổi mới và đặt người bệnh làm trung tâm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn đang từng bước hoàn thiện mô hình y tế số, hướng tới xây dựng một bệnh viện thông minh, hiện đại, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Cần cơ chế đột phá

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và nỗ lực chung của toàn ngành y tế, cùng với sự hợp tác quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc sức khỏe và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Trần Quý Tường – Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, những thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình triển khai bệnh án điện tử có thể kể đến:

Trước hết, hệ thống pháp lý đã dần hoàn thiện, tạo hành lang vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế. 

Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư quan trọng như Thông tư 53/2014 về điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng, Thông tư 54/2017 quy định bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở khám chữa bệnh, Thông tư 46/2018 về hồ sơ bệnh án điện tử và Thông tư 27/2021 về kê đơn thuốc điện tử. 

Hiện nay, theo Luật Khám chữa bệnh và Luật Giao dịch điện tử, hồ sơ bệnh án điện tử đã có giá trị pháp lý tương đương bệnh án giấy.

Cần chế tài đủ mạnh với đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử- Ảnh 3.

PGS.TS. Trần Quý Tường – Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thức của đội ngũ y tế về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao. Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức hội nghị, tập huấn, truyền cảm hứng cho nhân viên y tế về ứng dụng bệnh án điện tử. Nhiều địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành.

Hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Hầu hết bệnh viện đã có hệ thống máy chủ chuyên dụng, mạng không dây miễn phí cho bệnh nhân và đặc biệt, 39,1% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai hệ thống an ninh mạng. Ngoài ra, toàn bộ 63 Sở Y tế đã nhập dữ liệu lên Hệ thống quản lý Quốc gia về đăng ký và cấp phép hành nghề y.

Một dấu ấn đáng chú ý là tất cả các bệnh viện công và tư trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin bệnh viện (HIS). Hiện có 62,16% cơ sở y tế có bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin, trong đó 95% bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt đã thành lập phòng công nghệ thông tin riêng. 

Trung bình, mỗi bệnh viện có 3,15 nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin. Ngoài ra, 46,5% bệnh viện đã triển khai đặt lịch khám trực tuyến, trong khi 61,1% áp dụng lấy số xếp hàng tự động.

Về liên thông dữ liệu, 100% bệnh viện trên cả nước đã kết nối hệ thống HIS với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để giám định bảo hiểm y tế điện tử. 

Đáng chú ý, 147 cơ sở khám chữa bệnh đã chính thức chuyển sang bệnh án điện tử, không còn sử dụng hồ sơ giấy. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Việt đã tham gia nghiên cứu và cung cấp các giải pháp công nghệ chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số y tế.

Một trong những chuyển biến rõ nét khác được ông Tường nêu ra là sự phát triển của thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Nếu như cách đây 5 năm, việc này còn nhiều hạn chế, thì đến nay, 71% bệnh viện đã áp dụng thanh toán điện tử, bao gồm 31,4% qua ngân hàng, 10,5% qua Cổng dịch vụ công quốc gia và 15,4% qua các kênh khác. 

Cần chế tài đủ mạnh với đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử- Ảnh 4.

Nhiều bệnh viện trên cả nước triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, góp phần hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh, giảm áp lực tại các quầy thu ngân.

Tuy nhiên, vẫn còn 29% bệnh viện duy trì hình thức thanh toán tiền mặt, cho thấy dư địa để tiếp tục mở rộng giải pháp này trong thời gian tới.

“Những kết quả trên cho thấy, việc triển khai bệnh án điện tử tại Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, góp phần hiện đại hóa hệ thống y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tạo tiền đề cho chuyển đổi số toàn diện trong ngành’, ông Tường nhấn mạnh.

Việc áp dụng bệnh án điện tử tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản lớn, từ hạ tầng số, nhận thức của lãnh đạo bệnh viện, đến cơ chế tài chính và trình độ công nghệ thông tin của nhân viên y tế. Theo PGS.TS. Trần Quý Tường, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này, cần có những giải pháp mang tính đột phá và triển khai đồng bộ.

Trước hết, Bộ Y tế cần đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy chuyển đổi số y tế, đặc biệt là triển khai bệnh án điện tử. Việc phát triển đồng bộ các nền tảng công nghệ, hệ thống dữ liệu chuyên ngành và hạ tầng công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh án điện tử đi vào thực tế.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết. Các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn chuyên môn về chuyển đổi số y tế cần được xây dựng chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các bệnh viện có thể triển khai bệnh án điện tử hiệu quả.

Bộ Y tế: Triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc trước ngày 30/9/2025Hà Nội: Bệnh viện thứ 10 triển khai thực hiện bệnh án điện tử

Một giải pháp quan trọng khác là nhanh chóng đưa chi phí công nghệ thông tin vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024). 

Việc này giúp các cơ sở y tế có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi số mà không ảnh hưởng đến các hoạt động khác.

Cùng với việc tạo cơ chế hỗ trợ, Bộ Y tế cũng cần có chế tài đủ mạnh đối với các đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử. Đồng thời, những bệnh viện thực hiện tốt cần được khen thưởng, trở thành hình mẫu để lan tỏa hiệu quả ứng dụng bệnh án điện tử.

“Lãnh đạo bệnh viện đóng vai trò quyết định trong việc triển khai bệnh án điện tử. Họ không chỉ cần nhận thức rõ lợi ích của hệ thống này mà còn phải chủ động đầu tư tài chính, nhân lực và tổ chức các kế hoạch triển khai cụ thể”, ông Tường nhấn mạnh.

Mặt khác, sự phối hợp giữa Bộ Y tế, các hội nghề nghiệp, doanh nghiệp công nghệ và chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng để đảm bảo bệnh án điện tử được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Cuối cùng, việc nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho đội ngũ y tế cần được đẩy mạnh thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, hội thảo và tập huấn thực tiễn. Khi nhân viên y tế nắm vững công nghệ, việc ứng dụng bệnh án điện tử sẽ trở nên thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Trước 30/9, các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ban hành quyết định về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế.

Theo đó, để tăng tốc triển khai bệnh án điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử và sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trước ngày 30/9/2025.

Bộ trưởng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Y tế, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin trong y tế.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh ưu tiên nguồn lực và khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; phải sử dụng sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, cho phép người dân dễ dàng truy cập và quản lý thông tin sức khỏe của bản thân…

Theo kế hoạch, các cơ sở y tế sẽ tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, ít nhất 80% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trực tuyến, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt từ 40% trở lên, đến hết tháng 6/2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.

Hoàng Bích - Kim Thoa

Bạn đang đọc bài viết "Cần chế tài đủ mạnh với đơn vị, địa phương chậm triển khai bệnh án điện tử" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).