Tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013) do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Dự thảo luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều, được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tư duy quản lý được thay đổi theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình, thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Về giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu, luật quy định theo hướng cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi.
Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu.
Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.
Theo cơ quan soạn thảo, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới.
Dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Để thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc và giữ chân nhân tài, dự thảo luật cũng bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước.
Dự thảo luật còn đưa ra cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được.
Dự thảo bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy (Ảnh; Media Quốc hội).
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật với các lý do đã nêu trong Tờ trình số 163 của Chính phủ.
Về quy định các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chính sách về phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, tại Điều 11 đề cập đến 10 nội dung về chính sách phát triển khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, chính sách về phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng thì lại được xếp cuối cùng sau các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và chính sách về hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc đưa chính sách nào lên hàng đầu trong Luật là thể hiện thứ tự ưu tiên.
Theo đó, đối với phát triển khoa học công nghệ thì chính sách về nguồn nhân lực là vấn đề cần phải ưu tiên hàng đầu.
Theo bà Thanh, đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo bước đột phá theo tinh thần Nghị quyết 57 xác định yếu tố tiên quyết là thể chế nhân lực, hạ tầng dữ liệu và công nghệ chiến lược.
Trong đó, cần có những ưu tiên rõ ràng về thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ từ trí thức Việt kiều và người nước ngoài như chủ trương đề ra trong Nghị quyết 57 là ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống.
Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước có khả năng tổ chức điều hành, chỉ huy triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển, trí tuệ nhân tạo...