Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài hơn 188 km trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang. Trước đó, vào chiều 12/7, Thủ tướng đã đi kiểm tra công trường thi công tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Trong buổi sáng, Thủ tướng đã kiểm tra tình hình thi công dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ; dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại nút giao QL61C, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Tiếp đó, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với các cơ quan liên quan tại UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Tuyến cao tốc 188 km với tổng mức đầu tư gần 45.000 tỷ đồng
Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc/1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km). Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km.
Trong đó, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km (bố trí 18 nút giao, trung bình 10km/nút, 133 cầu dài gần 28km); quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù, gồm cơ chế chỉ định thầu, cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Công tác thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành (đạt 99%), chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.
Về nguyên vật liệu, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp (chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu) nên cần nâng công suất.
Về công tác thi công, giải ngân, dự án khởi công 4/14 gói thầu xây lắp đầu tiên từ tháng 6/2023. Đến tháng 12/2023, các địa phương đã khởi công toàn bộ 14/14 gói thầu. Lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng; trong đó, An Giang đạt 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%, Cần Thơ đạt 5,0%, Sóc Trăng đạt 2,3%.
Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án năm 2026 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương điều chỉnh tiến độ thực hiện của từng dự án, từng gói thầu nhằm bù đắp phần chậm; trong đó lưu ý xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 4/2026.
Cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho ĐBSCL
Sau khi nghe các báo cáo, đại diện các nhà thầu trình bày các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyến đường Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, là cao tốc trục Đông-Tây kết nối với cao tốc Bắc-Nam.
Chúng ta đang phấn đấu, quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km còn lại, để ĐBSCL có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch. Cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho ĐBSCL.
Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải đồng hành, sát cánh cùng Trung ương với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm trọng điểm hơn nữa.
Theo Thủ tướng, hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng "phố trong làng", tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân không phải ly hương tìm việc làm, sinh kế.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đã cùng các bộ, ngành trong khảo sát hướng tuyến, cân đối nguồn vốn cho dự án cao tốc này trong điều kiện khó khăn sau đại dịch COVID-19; tích cực giải quyết các khó khăn liên quan tới nguyên vật liệu thông thường (cát, đá, sỏi…) cho dự án. Đồng thời, Thủ tướng biểu dương các nhà thầu Trường Sơn, Trung Nam và các nhà thầu khác đã tích cực tham gia dự án.
Về một số công việc trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng các mỏ nguyên vật liệu đã có và triển khai nhanh các thủ tục để mở các mỏ mới cung cấp nguyên vật liệu cho dự án. Các đơn vị điện lực tích cực di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Về thi công, với phương châm "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để lấy lại thời gian, tiến độ bị chậm và phấn đấu vượt tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, trang thiết bị để làm việc "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm".
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các nhà thầu lớn cần hợp tác các nhà thầu địa phương để huy động nhân lực tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu địa phương cùng trưởng thành, cùng phát triển, đủ năng lực đảm nhận các công trình khác.
Chỉ rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, xã và nhân dân, doanh nghiệp vào cuộc, thường xuyên quan tâm, kiểm tra, động viên các lực lượng thi công, hỗ trợ về ăn ở, nhân công…
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Hà Văn