Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội khoảng 270km, huyện Lục Yên từ lâu được biết đến với khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa hữu tình: Những triền núi cao uốn lượn, bao bọc bản làng bình yên, những cánh đồng lúa, ngô xanh rờn trong gió; phiên chợ đá quý được mở thường xuyên hàng ngày; hay suối nước trong Ngọc Bích, hang động sâu Cảm Dương được xếp hạng trong nhóm 10 hang động đẹp nhất Việt Nam.
Song cũng chính địa hình chủ yếu là núi cao, rừng già, hầu hết các thôn bản của đồng bào dân tộc thiểu số đều nằm trong vùng sâu... là khó khăn, thách thức lớn đối với công cuộc giảm nghèo ở miền Đất Ngọc - Lục Yên.
Điều đáng mừng là, thách thức đó đã chứng minh rõ hơn sự nỗ lực bền bỉ vượt khó của những cán bộ tín dụng chính sách nơi đây, trong suốt 22 năm qua, cùng đồng tâm, góp sức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần hỗ trợ việc phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của vùng đất nơi núi cao Tây Bắc.
Vào những ngày cuối thu nắng bừng rạng ngời, chúng tôi về Lục Yên, để tận mắt chứng kiến những thành quả của đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), đã giúp đồng bào khai thác lợi thế của thiên nhiên ban tặng; đặc biệt tích cực khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, để giữ vững, phát triển kinh tế, nông nghiệp đi vào chiều sâu, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa như lương thực, rau quả, quan tâm mở mang tiểu thủ công nghiệp, chế tác đá quý….
Những năm trước, đồng bào Mông, Dao, Nùng, Tày… nơi đây chỉ biết nhờ vào rừng già, sống bằng cách săn bắt, đốt nương làm rẫy, đói nghèo quanh năm... Nhưng tất cả đã là dĩ vãng, cảnh thiếu ăn, thiếu mặc giờ cũng không còn. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc đã thoát nghèo, làm giàu từ vốn tín dụng chính sách.
Cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Vui, ở thôn Sơn Tùng, xã Mai Sơn (Lục Yên), trước đây rất khó khăn. Được cán bộ NHCSXH huyện Lục Yên tuyên truyền, phổ biến về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo, chị đã mạnh dạn vay vốn để mua trâu nái sinh sản, cải tạo đất đồi thành vườn trồng rau sạch; nhờ đó, đã có thu nhập hàng năm ngót nghét trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình chị đã trả hết nợ, và ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Gia đình ông Hoàng Văn Nguyên ở xã Động Quan, được NHCSXH cho vay bổ sung 100 triệu đồng thuộc chương trình hộ sản xuất kinh doanh để khôi phục, trồng mới toàn bộ diện tích keo, quế, bồ đề bị gẫy đổ do hoàn lưu mưa bão số 3 gây ra. Nay rừng cây công nghiệp được phủ kín, xanh tươi trở lại.
Rồi gia đình chị Đặng Thị Ninh, thôn Làng Chờ, xã An Lạc, đã được vay 100 triệu đồng vay từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Lục Yên để khôi phục, cải tạo xưởng chế biến ván ép bị đổ nát bởi gió bão vừa qua…
Giám đốc NHCSXH huyện Lục Yên, ông Dương Quốc Tuấn, cho biết: “Với định hướng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà chuyên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002 của Chính phủ, ngay từ khi thành lập (năm 2022) đến nay, đơn vị đã tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, với nhiều hình thức, đồng thời tổ chức chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi về tận bản làng, đến đúng đối tượng thụ hưởng".
Trải qua 22 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách ở vùng cao xa xôi trước kia, nay là miền đất Ngọc đổi thay, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Lục Yên đến 31/10/2024 là 823 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 71 tỷ đồng, hoàn thành 98,58% kế hoạch năm.
Kết quả đó cũng cho thấy sự quán triệt sâu sắc các cấp ủy đảng, chính quyền Lục Yên trong việc triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách; quyết liệt trong việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quản lý, thống nhất, đồng thời tăng cường chuyển ủy thác nguồn vốn ngân sách qua NHCSXH, với tổng số tiền 5.165 triệu đồng, tăng so với đầu năm 646 triệu đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm (116,2%).
Riêng doanh số cho vay khắc phục sau bão lũ số 3 đạt 28.488 triệu đồng, với 452 lượt khách hàng, đã nâng tổng dư nợ đến 31/10/2024 của NHCSXH Lục Yên lên 821.428 triệu đồng với 12.757 khách hàng còn dư nợ; trong khi đó, tổng nợ khoanh, nợ quá hạn giảm mạnh, chỉ có tỷ lệ 0,07%.
Trong 22 năm qua, nguồn vốn chính sách luôn tăng trưởng, chất lượng tín dụng cũng thường xuyên được nâng cao và chuyển tải kịp thời đến khắp vùng núi cao Lục Yên, trở thành động lực chính giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn vươn lên phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống mới, no đủ, tươi sáng hơn.
Theo Bí thư Huyện ủy Lục Yên, ông Đinh Khắc Yên, nguồn vốn tín dụng chính sách những năm qua đã giúp địa phương thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, trong năm 2023, toàn địa bàn giảm 1.650 hộ nghèo, tương đương với 5,6%, vượt 0,37% so với kế hoạch. Năm 2024, huyện Lục Yên phấn đấu giảm còn 4,8%.
Đúng như đánh giá của đại diện lãnh đạo địa phương, kết quả giảm nghèo ấn tượng đó có phần đóng góp quan trọng, hiệu quả của NHCSXH, đã tập trung huy động được nguồn vốn lớn và tổ chức chuyển tải kịp thời đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Những cán bộ tín dụng chính sách ở vùng núi cao Lục Yên tận tuỵ với nghề, được đào tạo văn hóa, nghiệp vụ quy củ, có năng lực "giỏi một việc, biết nhiều việc"... nên được dân bản làng tin yêu như người bạn tri kỉ trên con đường xóa nghèo khó, xây đời sống mới.
Cùng với đó, mạng lưới 344 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các xóm ấp và hệ thống Điểm giao dịch xã phủ kín địa bàn, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng tới nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, mặt khác còn giúp mối liên kết chặt chẽ 4 nhà: “Ngân hàng - chính quyền - đoàn thể - Tổ TK&VV”, chung tay khơi thông dòng vốn chính sách.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, phương thức “giao dịch tại nhà”, “giải ngân thu nợ tại xã” của cán bộ tín dụng chính sách nơi đây, cũng góp phần giúp hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của NHCSXH, giảm thời gian đi lại, tạo lòng tin của khách hàng. Đây là động lực to lớn để huyện Lục Yên thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội…
Trở lại Đất Ngọc - Lục Yên vào những ngày này mới thấy rõ ràng ý nghĩa từng việc làm của những cán bộ tín dụng chính sách đã và đang tận tâm, nhiệt thành tham gia cuộc hành trình vì an sinh xã hội.
Trong thời gian tới tập thể, cán bộ, nhân viên NHCSXH Lục Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, góp phần thiết thực thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững trên quê hương Đất Ngọc - Lục Yên.