Sáng 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà giáo.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, "phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”...
Dự án Luật Nhà giáo gồm 9 Chương 50 Điều, cụ thể hóa 5 chính sách lớn, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
So với quy định hiện hành tại các luật liên quan, Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới, trong đó có một số điểm nổi bật.
Cụ thể như: Luật Nhà giáo được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo. Đó là quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng; từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục, từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học đã và đang triển khai.
Đây là điểm mới về cách tiếp cận, được áp dụng nhất quán trong quá trình xây dựng luật và thể hiện ở từng nội dung của dự thảo Luật.
Đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Như vậy, lần đầu tiên, có căn cứ pháp lý cho việc nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Nhà giáo đặt trước yêu cầu phát triển không ngừng, được bảo vệ thông qua quyền của nhà giáo và những điều cá nhân/tổ chức không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn theo yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Ngoài ra, ngành Giáo dục có vai trò và được chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo. Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH là các cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục giữ vai trò chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và triển khai theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu có nhu cầu...
Kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật.Dự án Luật Nhà giáo: Định danh nhà giáo, đủ về số lượng, tốt về chất lượng