Sáp nhập Gia Lai và Bình Định: Chính sách cán bộ giữ nguyên trong 6 tháng

23/04/2025 00:30

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Gia Lai mới sau sáp nhập với Bình Định có trung tâm hành chính tại TP. Quy Nhơn, giữ nguyên biên chế hiện có. Việc tinh giản sẽ thực hiện theo lộ trình 5 năm, bảo đảm ổn định chính sách và quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Sáp nhập Gia Lai và Bình Định: Chính sách cán bộ giữ nguyên trong 6 tháng- Ảnh 1.

Việc hợp nhất hi vọng sẽ đưa tỉnh Gia Lai (mới) trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Ngày 22/4, UBND tỉnh Bình Định vừa thông tin về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định. Theo Đề án, tỉnh mới sau hợp nhất lấy tên là Gia Lai, diện tích tự nhiên khoảng 21.576 km², dân số hơn 3,1 triệu người, có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường).

Tỉnh Gia Lai mới có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Quy Nhơn hiện nay. UBND tỉnh Gia Lai (mới) sẽ có 14 cơ quan chuyên môn, còn HĐND tỉnh gồm 3 ban và 1 văn phòng.

Sau khi sáp nhập Gia Lai và Bình Định, số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có của hai tỉnh được giữ nguyên. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc tinh giản sẽ được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm sau 5 năm (đúng theo quy định của Trung ương), số lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với biên chế được giao.

Về chế độ, chính sách, cán bộ, CCVC chịu ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính nhưng vẫn tiếp tục công tác trong hệ thống chính trị sẽ được giữ nguyên mức lương, phụ cấp chức vụ (nếu có) trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định bố trí lại công việc. Sau thời gian này, các chế độ và phụ cấp sẽ được áp dụng theo quy định hiện hành.

Về chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai sau sắp xếp, người dân, cán bộ CCVC, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính tỉnh mới tiếp tục hưởng chế độ chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực, theo đơn vị hành chính như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia

Theo Tỉnh ủy Bình Định, khi hợp nhất tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia.

Tỉnh Gia Lai (mới) dự kiến có dân số hơn 3,4 triệu người, diện tích tự nhiên khoảng 21.576 km², sở hữu hệ thống hạ tầng chiến lược gồm hai sân bay Phù Cát và Pleiku, cảng biển Quy Nhơn, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; cùng mạng lưới giao thông liên vùng đồng bộ với trục Quốc lộ 19 - tuyến huyết mạch nối Tây Nguyên với Biển Đông và khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch và logistics. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây và tuyến đường sắt Đà Nẵng - Tây Nguyên - Bình Phước đang được quy hoạch, tạo thuận lợi tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao.

Do đó, việc hợp nhất tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ giúp tăng cường liên kết vùng giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hình thành trục kết nối Đông - Tây và mở ra không gian phát triển mới với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 với các trụ cột tăng trưởng chủ yếu: Công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai có mối quan hệ, nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa hợp và bổ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng thế trận khu vực phòng thủ liên hoàn, nâng cao hiệu quả tổ chức, chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang, bảo đảm phối hợp chặt chẽ trong xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh.

Việc hợp nhất tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai và sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ mở ra cơ hội phát triển trong tương lai, đưa tỉnh Gia Lai (mới) trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tỉnh Gia Lai (mới) thành lập sẽ có đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại; phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Minh Trang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bình Định cần đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mớiBình Định cần đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Trình UNESCO đưa “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loạiTrình UNESCO đưa “Võ cổ truyền Bình Định” vào danh sách Di sản <a href=văn hóa phi vật thể của nhân loại" title="Sáp nhập Gia Lai và Bình Định: Chính sách cán bộ giữ nguyên trong 6 tháng- Ảnh 5." loading="lazy" width="100%" height="auto">

Bạn đang đọc bài viết "Sáp nhập Gia Lai và Bình Định: Chính sách cán bộ giữ nguyên trong 6 tháng" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).