Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 vừa được công bố, SASCO đạt doanh thu thuần 764 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận ròng) ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, đạt 113 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với quý 1/2024.
Đà tăng trưởng lợi nhuận của SASCO trong quý đầu năm 2025 được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cải thiện mạnh mẽ của biên lợi nhuận gộp. Mặc dù các chi phí hoạt động khác đều tăng lên, bao gồm chi phí bán hàng tăng 5,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16%, lợi nhuận gộp của Công ty vẫn tăng trưởng tới hơn 27%, đạt gần 462 tỷ đồng trong quý 1. Điều này cho thấy khả năng kiểm soát giá vốn và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh hiệu quả của SASCO.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh phòng chờ thương gia tiếp tục đóng góp đáng kể vào kết quả tích cực. Doanh thu từ dịch vụ này đạt gần 229 tỷ đồng trong quý 1, tăng trưởng tới 29% so với cùng kỳ. Việc giá vốn dịch vụ phòng chờ chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với cùng kỳ giúp biên lợi nhuận gộp của riêng mảng này được cải thiện đáng kể, tạo động lực chính cho sự tăng trưởng lợi nhuận chung của Công ty.
Hoạt động kinh doanh của SASCO chủ yếu tập trung tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất - cửa ngõ hàng không lớn nhất cả nước. Do đó, sự phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng kỷ lục của ngành du lịch Việt Nam trong quý 1/2025 là yếu tố ngoại cảnh vô cùng thuận lợi. Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, quý 1/2025 chứng kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,02 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Trung Quốc với gần 1,6 triệu lượt khách (tăng tới 78%), đóng góp đáng kể vào con số này. Đây là nhóm khách được đánh giá có sức chi tiêu cao, trực tiếp tác động tích cực đến doanh thu của các dịch vụ hàng không tại sân bay, bao gồm các mảng dịch vụ mà SASCO đang khai thác như phòng chờ, bán lẻ hay ẩm thực.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp trong các quý gần đây, diễn biến cổ phiếu SAS lại không mấy thuận lợi. Mã này đã giảm khoảng 27% so với mức đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 2/2025.
Kết phiên giao dịch ngày 22/04, cổ phiếu SAS dừng ở mức 37.800 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa thị trường của Công ty đạt khoảng 5.040 tỷ đồng.