Người dân tham gia tích cực
Xác định rõ vai trò của việc sắp xếp đơn vị hành chính trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc các bước theo chỉ đạo của Trung ương. Công tác lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã được tổ chức bài bản, công khai, minh bạch, thu hút sự tham gia tích cực của người dân.
Tỉnh Hà Giang dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang, hình thành tỉnh mới mang tên Tuyên Quang, với trụ sở hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay. Sau sáp nhập, tỉnh mới có diện tích hơn 13.795 km, dân số gần 1,87 triệu người.
Về kết quả lấy ý kiến cấp tỉnh, toàn tỉnh có 190.700 cử tri đại diện hộ gia đình trong danh sách, trong đó 169.950 người đồng ý, đạt 89,09%. Tất cả xã, phường, thị trấn đều đạt tỷ lệ đồng thuận trên 50%. Nhiều cử tri đề xuất giữ tên gọi “Hà Tuyên” cho tỉnh mới, mong muốn đặt trung tâm hành chính tại thành phố Hà Giang hoặc huyện Bắc Quang.
Ở cấp xã, trong tổng số 193 đơn vị hành chính, có 183 đơn vị thuộc diện sắp xếp. Việc lấy ý kiến được tổ chức nghiêm túc, với 160.049 cử tri đồng ý, đạt 89,56%. Người dân cũng bày tỏ mong muốn giữ lại tên gọi xã cũ, điều chỉnh vị trí trung tâm xã và ưu tiên sáp nhập với các xã trung tâm huyện để thuận tiện phát triển.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc lấy ý kiến được triển khai đồng loạt từ ngày 17 - 19/4, với phiếu và tài liệu đề án phát đến từng hộ gia đình. Sự đồng thuận cao cho thấy tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển và niềm tin của nhân dân vào những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước; là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và nhân dân các các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
Dự kiến tên gọi 37 đơn vị hành chính cấp xã của Quảng Trị

Chiều 22/4, UBND tỉnh Quảng Trị họp phiên toàn thể thông qua Tờ trình về dự thảo Nghị quyết Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị sẽ hợp nhất với tỉnh Quảng Bình, lấy tên là Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay. Sau khi hợp nhất, tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích 12.699,99 km2, dân số 1.860.967 người, với 78 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó Quảng Bình có 41 đơn vị (5 phường, 36 xã), Quảng Trị có 37 đơn vị (3 phường, 33 xã và 1 đặc khu đảo Cồn Cỏ). Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm 1, giảm 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 186 đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị, sau khi sắp xếp sẽ giảm từ 119 xã, phường xuống còn 37 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu đảo Cồn Cỏ). Cụ thể, thành phố Đông Hà còn lại 2 phường Đông Hà và Nam Đông Hà; thị xã Quảng Trị trở thành phường Quảng Trị.
Huyện Hải Lăng (15 xã) sẽ còn lại 5 xã gồm: Diên Sanh, Hải Lăng, Vĩnh Định, Mỹ Thủy và Câu Nhi; huyện Triệu Phong (16 xã) còn 5 xã gồm: Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ và Nam Cửa Việt.
Huyện Vĩnh Linh (18 xã) còn 5 xã gồm: Vĩnh Linh, Cửa Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Thủy và Bến Quan. Huyện Gio Linh (14 xã) còn 4 xã gồm: Gio Linh, Cồn Tiên, Cửa Việt, Bến Hải. Huyện Hướng Hóa (21 xã) còn 7 xã gồm: Lao Bảo, Khe Sanh, Tân Lập, Hướng Phùng, Hướng Lập, A Dơi và xã Lìa. Huyện Đakrông (13 xã) còn 5 xã gồm: Đakrông, Hướng Hiệp, Ba Lòng, La Lay, Tà Rụt. Huyện Cam Lộ (8 xã) còn 2 xã gồm: Cam Lộ và Hiếu Giang.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị thành lập đặc khu Cồn Cỏ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện đảo Cồn Cỏ, trụ sở đặc khu đóng tại đảo Cồn Cỏ.