Những biện pháp hỗ trợ kịp thời
Cơn bão vừa qua đã làm thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân Yên Bái, việc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân đang được cả hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện. Theo đó, nguồn tín dụng ưu đãi được xem như phao cứu sinh giúp người nông dân phục hồi sản xuất, ngăn chặn nguy cơ tái nghèo của người dân vùng lũ, do vậy Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã có những điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương và tỉnh Yên Bái, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái tại các địa phương đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội, rà soát các khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại do bão lũ để áp dụng biện pháp xử lý rủi ro phù hợp, đúng quy định. Trước mắt, trong thời điểm này, mỗi hộ nghèo tại một số địa phương trọng điểm bị thiệt hại do bão lũ gây ra được vay từ 80 - 100 triệu đồng vốn ưu đãi.
Ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định tất cả các khách hàng vay vốn bị thiệt hại do thiên tai đều được xem xét, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định, như: gia hạn nợ, khoanh nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ, đồng thời chưa thu lãi vay phát sinh với khách hàng ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 đến hết tháng 12/2024.
Ngay trong tháng 9 này, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái tại các địa phương tập trung rà soát, thẩm định và tổng hợp nhu cầu vay vốn bổ sung, đề xuất ưu tiên bố trí, điều chuyển nguồn vốn giữa các địa phương, ưu tiên dự án khôi phục sản xuất nông nghiệp vừa bị ảnh hưởng của thiên tai, đảm bảo mục tiêu vượt dự nợ ít nhất 10% kế hoạch giao.
Thực tế cho thấy, cũng như nhiều địa phương khác, mặc dù chưa được giao nguồn vốn bổ sung mới, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Yên Bái đã cấp bách giải ngân hơn 1 tỷ đồng cho các hộ dân trên địa bàn xã Tuy Lộc, vay theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình giải quyết việc làm.
Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) Nguyễn Anh Tuấn cho hay, căn cứ mức độ thiệt hại về vốn, tài sản của mỗi hộ vay, ngân hàng chính sách xã hội đã lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn mới phục hồi sản xuất đúng đối tượng, ưu tiên vùng chuyên canh trồng rau và chăn nuôi của xã. Điều đó đã tiếp thêm động lực, tạo thêm nguồn lực để người dân nhanh chóng sửa chữa chuồng trại, mua thức ăn, con giống, cây giống, vật tư phân bón chuẩn bị khôi phục chu kỳ sản xuất mới.
Huyện miền núi Lục Yên là 1 trong 4 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất tỉnh, ông Dương Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết, trong khi chờ cơ chế, chính sách cụ thể để xử lý rủi ro do thiên tai. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên đã phối hợp với chính quyền cơ sở thẩm định, trình cấp có thẩm quyền giải quyết cho vay bổ sung khẩn cấp đối với những hộ vay vốn bị thiệt hại bởi bão lũ.
Kết quả giải ngân sau bão lũ từ ngày 12/9 đến nay, đã có gần 100 hộ được vay, với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho phục hồi chăn nuôi và sản xuất vụ Đông. Dự kiến tổng dư nợ đến 30/9/2024 toàn huyện là 816 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 15%.
Đồng hành, chia sẻ khó khăn
Chia sẻ với những mất mát, thiệt hại và khó khăn của người dân vùng lũ trên toàn tỉnh Yên Bái, ngay từ giữa tháng 9, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã phát động tới toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn tỉnh đóng góp tối thiểu 1 ngày lương, đồng thời trích quỹ phúc lợi xã hội để hỗ trợ tỉnh Yên Bái 1 tỷ đồng làm nhà ở cho các hộ bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Các hoạt động thăm hỏi, động viên và trao quà của Ban giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái được diễn ra liên tục từ hơn 10 ngày nay tại những gia đình bị mất mát về người, tính đến nay giá trị ủng hộ là 200 triệu đồng. Trong đó, chuyển về Ban vận động cứu trợ tỉnh Yên Bái 50 triệu đồng và trao quà trực tiếp cho 30 hộ tại thành phố Yên Bái và các huyện: Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, với tổng trị giá 150 triệu đồng.
Tới thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người tại vụ sạt lở đất tại thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên làm 6 người thương vong. Ông Đỗ Long Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái chia buồn sâu sắc với những mất mát, đau thương và động viên các gia đình cố gắng vượt khó khăn này, mong các gia đình sớm ổn định cuộc sống, tập trung khôi phục nhà cửa, sản xuất.
Ông Đỗ Long Thảo khẳng định, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Yên Bái thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là tái thiết lại nhà ở cho các hộ bị mất nhà và tạo điều kiện nhanh nhất cho hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để sớm khôi phục sản xuất.
Hoạt động thăm hỏi, động viên và trao quà các gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3 đã lan tỏa trên toàn hệ thống ngân hàng chính sách xã hội icủa cả tỉnh, các địa phương bị thiệt hại đều có ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương đó hỗ trợ trực tiếp nhiều mặt cho những nạn nhân cụ thể, đảm bảo thiết thực. Nhiều NHCSXH của các huyện ít bị thiệt hại đã cử những đoàn tình nguyện đến vùng lũ để đồng hành cùng địa phương, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tiêu biểu như hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình nạn nhân bị sạt lở đất vùi lấp hoàn toàn 1 ngôi nhà khiết 3 người chết tại thôn Đắng Con, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái hoặc hỗ trợ cho 5 hộ bị sập nhà và có 5 người chết, 4 người mất tích do sạt lở đất tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.
Bên cạnh đó, các đoàn tình nguyện của ngân hàng chính sách các huyện đã trao tặng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ. Đồng thời hỗ trợ hàng nghìn ngày công dọn dẹp, vệ sinh bùn đất các trường tiểu học và mầm non tại thành phố Yên Bái và huyện Lục Yên.