Vì sao nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận không bị truy cứu vụ KĐT Phan Thiết?

02/11/2024 12:12

Ông Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị truy cứu do liên quan đến dự án Khu đô thị biển Phan Thiết. Tuy nhiên, không đủ cơ sở truy cứu với nguyên Bí thư tỉnh.

Cựu Chủ tịch tỉnh sai phạm thế nào?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Ông Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng 16 bị can bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, với cáo buộc đã gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, năm 1993, Công ty Regent International OverSeas Corp (Hong Kong) được Chính phủ đồng ý cho đầu tư dự án sân golf Phan Thiết với quy mô 62 ha bằng hình thức thuê đất 50 năm.

Vì sao nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận không bị truy cứu vụ KĐT Phan Thiết?- Ảnh 1.

Ông Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đến tháng 9/2013, OverSeas Corp ký hợp đồng chuyển nhượng 100 % vốn sở hữu, quyền lợi, nghĩa vụ tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết cho Công ty cổ phần Rạng Đông. Tổng giá trị hợp đồng 2,5 triệu USD.

Từ giai đoạn này, Công ty Rạng Đông được tiếp tục thực hiện dự án, sau đó nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Tháng 11/2013, ông Phương cấp giấy chứng nhận cho Công ty Rạng Đông kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền lợi của chủ đầu tư cũ.

Có giấy phép, Công ty Rạng Đông lại đề nghị chính quyền tỉnh xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị tại dự án sân golf Phan Thiết.

Theo kết luận điều tra, ông Lê Tiến Phương là người trực tiếp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP.Phan Thiết, cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.

Quá trình triển khai, ông Phương đã để xảy ra sai phạm trong việc chuyển đổi 363.523 m2 đất từ đất thể dục thể thao sang đất ở đô thị tại dự án.

Khi tham dự cuộc họp ngày 27/10/2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cho ý kiến về phương án giá đất tại dự án theo đề nghị của UBND tỉnh, ông Lê Tiến Phương được nghe các ý kiến phát biểu về phương án giá đất.

Vì sao nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận không bị truy cứu vụ KĐT Phan Thiết?- Ảnh 2.

Một góc dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Do phương án giá đất mà UBND tỉnh xin ý kiến với giá 2.577.000 đồng/m2 không đúng quy định của pháp luật nên tại cuộc họp có nhiều ý kiến không đồng thuận.

Tuy vậy, ông Lê Tiến Phương vẫn ký ban hành Quyết định số 3371 phê duyệt giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2.577.000 đồng/m2 trái quy định. Cơ quan điều tra xác định thiệt hại gây ra là hơn 300 tỷ đồng.

Quá trình điều tra ông Lê Tiến Phương thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, không có tài liệu về động cơ vụ lợi của ông Lê Tiến Phương. Ngoài ra, quá trình công tác ông Lê Tiến Phương có nhân thân tốt, được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, kỷ niệm chương của các ngành, các cấp. Do đó, cần được xem xét lượng hình.

Nguyên Bí thư tỉnh không bị truy cứu

Cơ quan điều tra cũng xem xét đến trách nhiệm của 19 cá nhân liên quan đến hành vi không bố trí 20% quỹ đất nhà ở xã hội (NOXH) trong dự án trên. Trong đó có cả ông Huỳnh Văn Tí - nguyên Bí Thư tỉnh ủy Bình Thuận (nghỉ hưu từ tháng 1/2017).

Tháng 2/2015, ông Tí biết ông Phương, ký Công văn số 382 đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không bố trí 20% quỹ đất để xây dựng NOXH là trái quy định. Mắc dù đã có ý kiến tham mưu của 2 đại diện các Sở về vấn đề này.

Vì sao nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận không bị truy cứu vụ KĐT Phan Thiết?- Ảnh 3.

Ông Huỳnh Văn Tí đã nghỉ hưu trước thời điểm UBND tỉnh Bình Thuận ban hành văn bản không bố trí 20% diện tích dự án làm NOXH.

Để từ đó, ông Lê Tiến Phương đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất để ký ban hành Quyết định số 909, nhưng không bố trí 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, trái quy định.

Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra vụ án đến nay, xác định, sau khi chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 18/3/2015, đến ngày 3/4/2015 Huỳnh Văn Tí thôi giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy trước khi Quyết định số 909 ban hành.

Tài liệu điều tra cũng xác định, nguyên nhân của việc không bố trí 20% quỹ đất dành cho NOXH trong phạm vi dự án là do việc bố trí không phù hợp với mục tiêu đầu tư dự án theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh là xây dựng Khu đô thị cao cấp, hiện đại, tạo điểm nhấn cho du lịch Tp.Phan Thiết.

Bình Thuận đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng triển khai dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch

Nếu bố trí NOXH nằm xen kẽ trong khu đô thị cao cấp thì so sánh về điều kiện sống, diện tích cũng như tiện ích sử dụng của hộ gia đình trong khu vực nhà ở xã hội và khu đô thị biển cao cấp sẽ chênh lệch quá lớn tạo nên sự phân tầng xã hội trực diện.

Kết quả điều tra xác định không có căn cứ xác định việc không bố trí 20% quỹ đất dành cho NOXH trong phạm vi dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết mà chuyển sang vị trí khác có quy mô tương đương không gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Do đó, không có căn cứ xem xét, xử lý hình sự đối với hành vi của ông Huỳnh Văn Tí.

Song, cơ quan điều tra cũng kiến nghị cần có biện pháp xử lý phù hợp với các cá nhân liên quan để đảm bảo công tác phòng ngừa chung.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận không bị truy cứu vụ KĐT Phan Thiết?" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).