Theo ông Trần Quốc Dũng, gần đây, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn chung nên có nhiều người dân ở các địa phương khác đã tới TP Hồ Chí Minh để kiếm sống, xin ăn tại một số địa bàn; tập trung nhiều ở các cơ sở tôn giáo, bến xe, chợ truyền thống… Trong 9 tháng qua, Sở đã tiếp nhận 1.314 trường hợp trẻ em, người lang thang, xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp do các tổ công tác tại các quận huyện, phường xã bàn giao.
Trước đó, tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần đây xảy ra tình trạng người lang thang, xin ăn tái diễn. Chưa kể hiện nay, các đối tượng có hành vi đối phó lực lượng chức năng như giả dạng bán vé số, tăm bông, kẹo cao su, bút bi... gây khó khăn cho các địa phương trong công tác xử lý.
"Để giảm tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố, trách nhiệm của các địa phương quản lý địa bàn khá quan trọng để phát hiện và tập trung người lang thang, xin ăn đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội để quản lý. Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng có chính sách chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn tìm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Hiện nay, vai trò của Sở có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trên theo quy định để kéo giảm tình trạng người lang thang, ăn xin trên đường", ông Trần Quốc Dũng cho biết thêm.