Ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng kết nối vùng
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng, tốc độ tăng GRDP của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024 dự kiến đạt khoảng 7,6%, cao hơn bình quân chung cả nước, xấp xỉ đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 (tăng bình quân 7-7,5%/năm).
Quy mô kinh tế của Vùng ước đạt 1.765,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,31% GDP cả nước, đứng thứ 3/6 vùng (sau vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng).
GRDP bình quân trong Vùng đạt 127 nghìn tỷ đồng/địa phương, bằng khoảng 70% bình quân chung cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng (GRDP/người) năm 2024 ước đạt 85,79 triệu đồng/người, tăng khoảng 10% so với năm 2023, bằng khoảng 74% bình quân chung cả nước và đạt 55% mục tiêu đến năm 2030 (156 triệu đồng/người).
Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của 14 địa phương trong Vùng đạt 237.411 tỷ đồng, dự kiến đạt 98% so với thực hiện năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của Vùng ước đạt 58,77 nghìn tỷ đồng, đạt 66,32% bình quân chung cả nước (60,4%).
Hội đồng điều phối Vùng đã định kỳ tổ chức được 4 Hội nghị để thảo luận, đề ra giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt phát triển của các vùng như phát triển giao thông kết nối, quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các vùng, giải pháp điều phối trong các lĩnh vực thương mại, đô thị, logistics, phát triển nguồn nhân lực…
Thông qua Hội đồng Điều phối vùng, các bộ và địa phương được bàn bạc, thảo luận và thông qua các nội dung quy hoạch vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh, giảm xung đột, mâu thuẫn lợi ích; nâng cao tính chủ động trong thực hiện hoạt động liên kết vùng.
Vùng đã ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng; phát triển hạ tầng năng lượng; mở rộng hoạt động đào tạo nhân lực, ưu tiên lĩnh vực công nghệ công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy du lịch; rà soát cơ chế, chính sách đặc thù 5 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa) và kiến nghị một số chính sách chung cho toàn Vùng.
Trong năm 2024, Hội đồng Điều phối vùng tập trung rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm đánh giá toàn diện thực trạng, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện và tiềm năng phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành trao đổi, thảo luận về những khó khăn, tồn tại của Vùng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP/Đình Nam
Xác định động lực mới, tập trung cho kinh tế biển
Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, tồn tại của Vùng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp; tích lũy đầu tư nhỏ, còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao… Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp, chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng.
Đáng chú ý, Vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, hạ tầng ven biển còn yếu, hạ tầng có tính chiến lược (như cảng biển, logistics, hạ tầng đô thị, đường sắt kết nối,...) chưa tạo hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trên phạm vi cả vùng chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn đặt trụ sở chính hoạt động, thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực.
Toàn vùng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển. Sáu ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi, các ngành kinh tế biển mới…
Thị trường lao động chưa phát triển, thiếu linh hoạt, chất lượng lao động và việc làm còn thấp, chưa có cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Văn hóa-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Một số chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chưa đạt mục tiêu đặt ra. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra.
Trong năm 2025, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ xác định động lực phát triển là khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các địa phương tiếp tục tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển theo hành lang kinh tế Bắc- Nam, Đông-Tây; tập trung vào các hạ tầng giao thông, năng lượng, số, xã hội, thủy lợi, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội đồng bộ (giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao…); triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Sớm hình thành thiết chế hoạt động Vùng
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà điểm lại những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó, có sự đóng góp quan trọng của các địa phương trong vùng.
Hội đồng Điều phối vùng đã thể hiện vai trò, tầm quan trọng trong xác định những điểm nhấn, trọng tâm để các địa phương kết nối, phối hợp chặt chẽ với nhau, có những chính sách đột phá, giảm bớt xung đột, mâu thuẫn nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng.
Nhấn mạnh năm 2025 là giai đoạn chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu tăng trưởng 2 con số đầy thách thức, Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp với các địa phương đánh giá toàn diện công tác ứng dụng công nghệ, thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Hội đồng điều phối vùng, phục vụ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học tốt giữa các địa phương. "Đây là nhiệm vụ đã được đặt ra, "đã nói là phải làm", phải có người chủ trì, có tiến độ hoàn thành", Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thiết chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng trong hệ thống cơ quan hành chính, với cách tiếp cận liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp bảo đảm "hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả" khi giải quyết các "bài toán" của Vùng trong phát triển sản phẩm chiến lược, có khả năng cạnh tranh quốc gia, quốc tế; xác định dự án của vùng; phân bổ nguồn lực đầu tư; phân chia các tiểu vùng theo tiềm năng, không gian địa lý, văn hoá…
Trong năm 2025, các địa phương, cùng với Bộ Công Thương cần khẩn trương xem xét quy hoạch, lộ trình phát triển trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của quốc gia, gắn với các hệ sinh thái công nghiệp mới, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.
Với thế mạnh di sản văn hoá, du lịch biển, các địa phương cần sớm tận dụng nguồn lực trung ương, địa phương để tạo ra các sản phẩm, chuỗi giá trị du lịch kết nối tự nhiên, văn hoá, di sản, lịch sử, giữa các vùng kinh tế-xã hội khác, "một điểm đến, nhiều giá trị".
Đối với hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng nêu rõ cùng với các tuyến đường bộ cao tốc, Vùng cần đi trước, ưu tiên chuẩn bị triển khai sớm nhất các dự án thành phần của tuyến đường sắt tốc độ Bắc-Nam, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, trung tâm công nghiệp, dịch vụ… theo hướng tuyến giao thông (TOD). "Chúng ta cần xác định những khu vực xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật (giao thông, cảng biển, sân bay, logistics...) kết nối đồng bộ nội vùng, liên vùng và quốc tế nhằm phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng, lợi thế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương trong vùng cần phối hợp với ngành nông nghiệp để đánh giá đúng tiềm năng, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, vùng biển… từ đó tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao; đồng thời xác định lại chỉ tiêu an ninh lương thực, sắp xếp lại quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, thương mại, phát triển đô thị, nông thôn.
"Hội đồng Điều phối vùng, các địa phương, bộ, ngành cần sớm tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế chính sách, các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực: Năng lượng sạch và tái tạo; du lịch; hạ tầng giao thông; nông nghiệp; đào tạo nhân lực…", Phó Thủ tướng nói và lưu ý cần tăng cường truyền thông, quảng bá thông tin cho những công trình, dự án động lực, trọng điểm, tiềm năng, thế mạnh của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ.
Minh Khôi