Thấy gì sau các thương vụ "chuyển giao bắt buộc"?
Tái cơ cấu ngân hàng từng được kỳ vọng là liều thuốc mạnh để cứu vãn các tổ chức tín dụng yếu kém, song thực tiễn sau hơn 10 năm cho thấy, không phải cứ chuyển giao là thành công. Điển hình là mô hình “chuyển giao bắt buộc”, giải pháp mới được cụ thể hóa trong Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, nhưng thực chất đã có tiền lệ từ các thương vụ mua ngân hàng 0 đồng giai đoạn 2015.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu nêu rõ: 4 ngân hàng, gồm CB Bank, OceanBank, GPBank và Đông Á Bank, đã được chuyển giao bắt buộc cho các ngân hàng lớn như Vietcombank, MB Bank, VPBank và HDBank. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động của những ngân hàng này vẫn không rõ ràng, không minh bạch về kết quả tài chính, khiến thị trường và người gửi tiền hoang mang.
Theo Tiến sĩ Hiếu, chính việc không hợp nhất báo cáo tài chính giữa ngân hàng mẹ và ngân hàng con là một lỗ hổng lớn. Điều này không chỉ đi ngược với thông lệ kế toán quốc tế, mà còn khiến ngân hàng mẹ được hưởng lợi về tài sản, nhân lực mà không phải chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Một cơ chế "méo mó" như vậy chỉ khiến cho hoạt động tái cơ cấu trở nên hình thức, thiếu động lực cải thiện thực chất.
Một trong những ví dụ điển hình về thất bại là thương vụ hợp nhất SCB, TinNghiaBank và Ficombank năm 2011. Sau 10 năm, SCB đã phát triển mạnh về quy mô với tổng tài sản hơn 673.000 tỷ đồng, song lại trở thành công cụ tài chính phục vụ lợi ích nhóm, dẫn đến vụ án Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một trong những đại án lớn nhất lịch sử ngành tài chính Việt Nam.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, mô hình “chuyển giao bắt buộc” tuy đã được luật hóa nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế giám sát hiệu quả. Việc xác lập quyền sở hữu cổ phần trong các thương vụ “giá 0 đồng” cũng là điểm mù pháp lý, bởi vốn điều lệ không thể là số âm hay biến mất một cách hợp thức hóa.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cũng cảnh báo, không nên lạm dụng thuật ngữ “ngân hàng 0 đồng”. Theo chuyên gia, mục tiêu cốt lõi của tái cơ cấu không phải là làm ngân hàng "hồi sinh" trong thời gian ngắn, mà là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, duy trì ổn định hệ thống. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả cần căn cứ vào tính bền vững và khả năng phục hồi thực tế chứ không chỉ là những con số “đẹp” trên giấy tờ.
Cần có cải cách từ thực tiễn
Từ thực trạng “chuyển chủ không kèm chuyển vốn”, các chuyên gia đã đề xuất loạt giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần thiết lập ràng buộc tài chính thực chất. Bởi nếu đã chấp nhận giao ngân hàng yếu kém cho ngân hàng mẹ thì bắt buộc ngân hàng mẹ phải cam kết bơm vốn ít nhất 3.000 tỷ đồng để phục hồi hoạt động. Việc chỉ “nhận về để có giấy phép” nhưng không có dòng tiền bơm vào chỉ khiến ngân hàng con tồn tại lay lắt, mất dần năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, vai trò của Công ty Bảo hiểm tiền gửi quốc gia cần được nâng lên. Khác với mô hình FDIC của Hoa Kỳ, nơi cơ quan bảo hiểm đóng vai trò trung tâm trong xử lý các ngân hàng yếu kém hiện nay tại Việt Nam, đơn vị này vẫn mờ nhạt, gần như không có vai trò trong kiểm soát và cảnh báo rủi ro hệ thống. Đây là một khoảng trống lớn cần sớm lấp đầy.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, mọi ngân hàng dù niêm yết hay không, đều cần phải công bố báo cáo tài chính định kỳ. Việc “giấu nhẹm” tình hình tài chính không chỉ vi phạm nghĩa vụ thông tin với thị trường mà còn làm xói mòn niềm tin của người gửi tiền.

Ngoài ra, sự tham gia giám sát từ cổ đông cũng cần được tăng cường. Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng yếu kém bị thao túng bởi nhóm cổ đông lớn và sở hữu chéo, dẫn đến tình trạng cấp tín dụng không hiệu quả, nợ xấu chồng chất. Việc tái cơ cấu chỉ thực sự có ý nghĩa khi cấu trúc sở hữu được làm “trong sạch”, cổ đông phải chịu trách nhiệm với quyết định và tài sản của mình.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đề xuất, nên quy chuẩn hóa điều kiện trở thành CEO ngân hàng, kể cả về bằng cấp lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Ông Trung cũng gợi ý, có thể xây dựng một “sàn giao dịch ý tưởng” để đánh giá tài sản vô hình và năng lực quản trị thực sự của lãnh đạo ngân hàng, tránh tình trạng “nhiều tiền nhưng thiếu tâm, thiếu tầm” chi phối hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Tuấn, đại diện Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lựa chọn phương án tái cơ cấu là giải pháp tối ưu, thay vì để các ngân hàng phá sản. Bởi trong điều kiện kinh tế Việt Nam, sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tài chính và lòng tin công chúng.

Trên thực tế, dù đã có luật, có chính sách và có những chuyển động tích cực, song kết quả tái cơ cấu ngân hàng vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn. Việc chuyển giao bắt buộc nếu không gắn với cam kết tài chính, không đi kèm giám sát minh bạch và không có cơ chế trách nhiệm rõ ràng thì sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Theo ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, muốn tái cơ cấu ngân hàng thành công, Việt Nam cần vượt qua tâm lý “ngại va chạm”, sẵn sàng đối diện với sự thật và mạnh dạn cải cách. Chỉ khi đó, ngành ngân hàng mới có thể bước vào một chu kỳ phát triển bền vững, lành mạnh và thực sự phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.