Cụ thể, ông Trương Anh Tuấn đã đăng ký mua 23 triệu cổ phiếu HQC trong khoảng thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 12/5/2025. Mục đích giao dịch là nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân.
Hiện tại, ông Tuấn đang nắm giữ 2 triệu cổ phiếu HQC, tương đương 0,35% vốn điều lệ. Nếu giao dịch thành công, ông sẽ nâng sở hữu lên 25 triệu cổ phiếu, chiếm 4,34% vốn điều lệ của Địa ốc Hoàng Quân.
Tạm tính theo thị giá cổ phiếu HQC đóng cửa phiên 9/4 là 2.540 đồng/cổ phiếu, ước tính Chủ tịch Trương Anh Tuấn sẽ cần chi ra khoảng 58,4 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ này.
Động thái đăng ký mua vào của Chủ tịch HQC diễn ra ngay sau khi cổ phiếu này chịu áp lực bán mạnh. Đáng chú ý, từ ngày 3/4 đến ngày 9/4, HQC đã ghi nhận 4 phiên giảm sàn liên tục, khiến thị giá "bốc hơi" 24,9%, từ mức 3.380 đồng xuống chỉ còn 2.540 đồng/cổ phiếu.
9 năm liền lỡ hẹn kế hoạch lợi nhuận
Về tình hình kinh doanh, năm 2024 Địa ốc Hoàng Quân ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 100,16 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 32,6 tỷ đồng (do là năm đầu tiên hợp nhất công ty con nên không có số liệu so sánh cùng kỳ).
Tuy nhiên, so với kế hoạch tham vọng đặt ra là lãi sau thuế 100 tỷ đồng, công ty mới chỉ thực hiện được vỏn vẹn 32,6% chỉ tiêu. Đáng nói hơn, đây đã là năm thứ 9 liên tiếp (kể từ năm 2016 đến nay) Địa ốc Hoàng Quân không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.
Điều này khá nghịch lý so với sự tự tin thường thấy của Chủ tịch Trương Anh Tuấn tại các kỳ Đại hội cổ đông. Đơn cử như tại ĐHĐCĐ năm 2024, ông Tuấn từng khẳng định: “Năm nay, Địa ốc Hoàng Quân dự kiến hoàn thành 5 dự án để bàn giao 3.000 căn nhà ở xã hội... Con số 2.000 tỷ đồng doanh thu trong năm nay không phải cố gắng mà bắt buộc phải đạt được”. Thực tế kết quả kinh doanh lại cách rất xa so với mục tiêu "bắt buộc" này.