Đột phá chiến lược vì chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân

13/04/2025 20:30

Sau Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII kết luận về việc thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; theo đó cả nước dự kiến sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giảm khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã, là chủ trương mang tính chiến lược này đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình cao từ đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương.

Chú thích ảnh Một góc Trung tâm hành chính tỉnh và thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Thạc sĩ Phùng Đình Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, nhận định rằng: Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11 là một quyết sách lớn, có tính lịch sử. Đây không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập hay tinh gọn địa giới hành chính, mà còn mở ra tư duy quản trị hiện đại, phục vụ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Việc giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tinh giản khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo tiền đề để tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở số lượng đơn vị bị sáp nhập, mà ở cách vận hành của bộ máy sau cải cách: phân cấp, phân quyền rõ ràng; phát huy vai trò chủ động của cấp cơ sở trong phục vụ người dân; và bảo đảm mỗi cấp chính quyền thực sự “nắm việc, làm việc, chịu trách nhiệm”.

“Tôi đánh giá cao mô hình tổ chức mới với kỳ vọng xây dựng chính quyền theo hướng: cấp tỉnh vừa là nơi thực thi chủ trương, chính sách Trung ương, vừa trực tiếp ban hành chính sách tại địa phương và quản lý toàn diện hoạt động của cấp xã. Trong khi đó, cấp xã sẽ trở thành trung tâm hành động - nơi gần dân nhất, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả, thỏa đáng cho người dân”, Thạc sĩ Phùng Đình Hùng chia sẻ.

Chú thích ảnh Thạc sĩ Phùng Đình Hùng, Phó Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, trong bối cảnh cải cách sâu rộng, việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp cần được tiến hành song song với việc cải tổ các cơ quan Đảng tương ứng. Các cơ quan Đảng ở cấp tỉnh và cấp xã cần được tổ chức lại phù hợp với chức năng - nhiệm vụ mới của chính quyền, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, thực chất, không chồng chéo, không hình thức, để hệ thống chính trị vận hành đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới.

Theo Thạc sĩ Hùng, việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là sự điều chỉnh địa giới hay cơ cấu tổ chức, mà còn là cơ hội quan trọng để đánh giá, sàng lọc, bồi dưỡng và bố trí lại đội ngũ cán bộ theo năng lực thực tiễn, phù hợp với yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống quản trị quốc gia trong giai đoạn mới. Đặc biệt, cấp xã - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân cần có đội ngũ cán bộ vừa giỏi chuyên môn, có kỹ năng quản trị điều hành, vừa có đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ và khả năng xử lý tốt các tình huống phát sinh tại cơ sở.

Mỗi cán bộ không chỉ phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn cần thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp hiệu quả với các bộ phận liên quan, giữ gìn tác phong mẫu mực, lối sống trong sạch và luôn lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc.

Nhìn xa hơn, đề án cải tổ hành chính lần này là sự chuẩn bị cho một tầm nhìn phát triển đất nước trong 100 năm tới, vừa tạo ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm hệ thống chính trị - hành chính hoạt động tinh gọn, linh hoạt, sát thực tiễn, hướng về cơ sở, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Chú thích ảnh Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Nguyễn Đức Toàn ở xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Còn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Nguyễn Đức Toàn (ở xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) cũng bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, xem đây là bước đi đột phá mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

Theo ông, việc thu gọn đầu mối không chỉ đơn thuần là “giảm số lượng”, mà cốt lõi là “nâng chất lượng” - hướng tới xây dựng một bộ máy chính quyền năng động, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả và sát thực tiễn hơn.

Sáp nhập xã cũng đặt ra yêu cầu rất cao về đội ngũ cán bộ. Những người được lựa chọn cần có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng quản trị hiện đại, tinh thần dấn thân và cầu thị. Đây chính là cơ hội quan trọng để sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ một cách khoa học, tránh tình trạng dàn trải, bảo đảm nguyên tắc “ai làm được việc thì giao việc, ai có năng lực thì được trọng dụng”. Khi đó, công tác cán bộ sẽ không còn là hình thức mà trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy đổi mới toàn diện bộ máy hành chính.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Toàn khẳng định, cuộc cải cách lần này đang được nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, không chỉ nhằm giải quyết bài toán trước mắt về tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí vận hành, mà còn hướng tới mục tiêu dài hạn: kiến tạo một hành lang thể chế minh bạch, vận hành hiệu lực, hiệu năng cao; đồng thời mở ra không gian phát triển mới về kinh tế, xã hội và quản trị quốc gia. Đây là bước chuẩn bị căn cơ, có tính chiến lược để đất nước vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI - nơi bộ máy hành chính không chỉ thực hiện vai trò “quản lý”, mà còn là nền tảng “phục vụ”, “thúc đẩy” và “truyền cảm hứng” cho đổi mới, sáng tạo từ cơ sở.

Bạn đang đọc bài viết "Đột phá chiến lược vì chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).