Trước thềm mùa đại hội cổ đông năm 2025, câu chuyện cổ tức và lợi nhuận tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý trong ngành ngân hàng.
Với sức ép từ tăng trưởng tín dụng thấp, chi phí vốn gia tăng và nỗ lực trích lập dự phòng rủi ro, khả năng chi trả cổ tức của nhiều ngân hàng đang bị đặt dấu hỏi. Tuy vậy, một số ngân hàng vẫn công bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu ở mức cao.
Vẫn "nóng" chuyện cổ tức
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) năm nay đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng những lại khá "xông xênh" khi dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông với tổng tỉ lệ lên tới 35%. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 32% từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của ngân hàng năm 2024 đồng thời dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỉ lệ 3%.
Đáng chú ý trong năm nay, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 25%, số tiền dự kiến dùng để chia cổ tức là 7.468 tỷ đồng.
Trong khi trước đó ĐHĐCĐ năm 2024 của ngân hàng đã thông qua kế hoạch phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và sẽ không trả cổ tức trong ba năm nhằm tăng cường năng lực tài chính.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 18% vốn điều lệ, số tiền dự kiến dành để chia cổ tức là 7.317 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỉ lệ 5%, tổng số tiền dự kiến dùng để chia là 2.033 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng sẽ phát hành hơn 528,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với tỉ lệ 13%, tương ứng số tiền 5.285 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 7%, tương đương với quy mô 1.726 tỷ đồng. OCB cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng bằng cách phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỉ lệ 8%.
ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngày 10/4 cũng đã thông qua phương án phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỉ lệ 15%. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 6.700 tỷ đồng, từ 44.666 lên 51.366 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 10%. Quy mô tương đương 4.466 tỷ đồng. Năm 2026, ngân hàng này cũng dự kiến duy trì việc chia cổ tức gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) sẽ trình cổ đông thông qua dự kiến phát hành thêm tối đa 520 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chia cổ tức với tỉ lệ 20% từ lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức, qua đó vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ mức 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng.
Cuối tháng 3 vừa qua, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 7% vốn điều lệ, ước tính số tiền để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỉ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỉ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) năm nay dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 5%, mức chi cổ tức dự kiến là gần 3.967 tỷ đồng. Thời điểm dự kiến chia trong quý II - III/2025, thời điểm cụ thể do HĐQT ngân hàng quyết định.
ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) hồi 28/3 cũng đã đã đồng thuận tăng thêm hơn 4.281 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ hơn 13.725 tỷ đồng lên mức hơn 18.000 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng thực hiện chia cổ tức với tỉ lệ 25% bằng việc phát hành thêm hơn 343,1 triệu cổ phiếu, góp phần giúp vốn điều lệ Nam A Bank tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngân hàng như ABBank, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) không chia cổ tức hay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank), Techcombank… chưa thông tin về kế hoạch trả cổ tức trong năm 2025.
Năm 2024, sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cố nền tảng vốn, phát triển kinh doanh, Techcombank đã dành khoảng 5.284 tỷ đồng để chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỉ lệ 15%,
Eximbank cho biết sẽ không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính, tăng trưởng và phát triển bền vững. Về phía ABBank, ngân hàng cho biết dự kiến trình đại hội thông qua việc để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng
Sau một năm đầy biến động, với những thách thức từ môi trường lãi suất, tăng trưởng tín dụng chậm và áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng đang dần lộ diện.
Trong khi một số nhà băng vẫn duy trì được mức lợi nhuận khả quan và mạnh tay chia cổ tức cao, thì không ít ngân hàng lại phải thắt chặt chính sách chi trả để đảm bảo an toàn vốn và tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Năm 2025, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng cao nhất khối ngân hàng với lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt mức 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần, tương ứng mức tăng 121% so với kết quả thực hiện của năm 2024 là 779 tỷ đồng.
Một ngân hàng cổ phần khác là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng đặt ra mục tiêu tham vọng không kém với lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, tăng 70% so với kết quả thực hiện năm 2024 là 421 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2025.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng đề ra kế hoạch lãi trước thuế tăng đến 55% đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Năm 2024, ngân hàng này lãi trước thuế 1.131 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng dương với mức tăng trên 20% như OCB, Eximbank, HDBank, SHB, VPBank và VIB. Trong khi đó, một số ông lớn ngân hàng tư nhân lại có phần thận trọng hơn khi đề ra kế hoạch lợi nhuận.
Cụ thể, năm 2025, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đề ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Đồng thời kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.
Ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà Nước), hạn mức được cấp đến hiện tại là 745.738 tỷ đồng. Tổng huy động khách hàng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhằm tối ưu hóa bảng cân đối kế toán.
MB cũng cẩn trọng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng xấp xỉ 10%. Trước đó, năm 2024, ngân hàng báo lãi hợp nhất trước thuế là 28.829 tỷ đồng, như vậy có thể ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong năm 2025 đạt khoảng 31.712 tỷ đồng.
Về phía khối quốc doanh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận từ 6 - 10% so với năm trước. VietinBank và Vietcombank cho biết chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho thấy phần lớn các tổ chức tín dụng (TCTD) được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I có sự cải thiện so với quý IV/2024, dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II.
Tuy nhiên, tỉ lệ TCTD nhận định tình hình kinh doanh suy giảm so với quý trước đã tăng từ 8,8% trong quý IV/2024 lên 14,8% trong quý I/2025, cao hơn nhiều so với kỳ vọng.