Sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

12/02/2025 12:30

(Chinhphu.vn) - Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, cho biết việc xây dựng, ban hành Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về việc đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Luật được xây dựng và ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống VBQPPL thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn", khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Dự án Luật xây dựng dựa trên 6 quan điểm chỉ đạo: (i) bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; (ii) bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Viện Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xây dựng, ban hành VBQPPL; (iii) kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật năm 2015, đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; (iv) bảo đảm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh, kế thừa Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành bên cạnh nội dung về xây dựng VBQPPL, cụ thể như sau: "Luật này quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật", đồng thời, giữ quy định Luật hiện hành về việc không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

Về bố cục, thực hiện việc thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015).

Sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật BHVBQPPL với các lý do và cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Về hồ sơ dự án Luật, UBPL đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

UBPL nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Dự thảo Luật có 08 chương, 72 điều, giảm 101 điều so với Luật hiện hành mặc dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được Quốc hội xem xét, thông qua tại cùng Kỳ họp.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, UBPL đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung lớn về: hệ thống VBQPPL (Điều 4); phản biện xã hội và tham vấn chính sách (các điều 3, 6, 30 và 68); thông qua và điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm (Điều 25 và Điều 26); các trường hợp thực hiện quy trình xây dựng chính sách (Điều 27), mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản (Mục 2 và Mục 3 Chương III); quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết (các điều 39, 40 và 41); việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn của dự thảo VBQPPL (khoản 2 Điều 67)…

Hải Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XVKhai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Tham khảo thêm
Xây dựng Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi cần bám sát các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCNXây dựng Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi cần bám sát các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Bạn đang đọc bài viết "Sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).