SJC và câu chuyện 12 năm "độc quyền" vàng miếng

29/08/2024 10:00

Kể từ khi được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, mỗi năm, SJC thu về hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty vẫn luôn chỉ quanh quẩn ở mức vài chục tỷ đồng.

Thương hiệu vàng miếng đầu tiên tại Việt Nam

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 180 của UBND Tp.HCM. Đến nay, SJC vẫn là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9, bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng, đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước.

Năm 2003, Công ty chuyển sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con, đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC.

Năm 2010, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC chuyển đổi với tên gọi mới Công Ty TNHH Một Thành Viên Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC (Saigon Jewelry Company Limited).

SJC và câu chuyện 12 năm

Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9.

Theo thông tin trên website, hiện SJC gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

Bên cạnh đó, công ty còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm. Tính đến 31/12/2023, SJC đang có 480 nhân viên.

Năm 2012, Nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Thời điểm đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) với gần 97% giao dịch trên thị trường được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Điều đó có nghĩa là NHNN triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê SJC gia công.

Doanh thu chục nghìn tỷ, lợi nhuận chỉ như "muối bỏ bể"

Với ưu thế độc quyền kinh doanh vàng miếng, hàng năm, SJC luôn ghi nhận doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn không thể quay về thời hoàng kim như trước.

Năm 2011, SJC đã từng ghi nhận doanh thu toàn hệ đạt 111.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, bước sang năm 2012, mức doanh thu của công ty đã thụt lùi về mức 72.051 tỷ đồng, Và đến năm 2013, doanh thu thậm chí giảm 62% so với năm trước xuống 27.464 tỷ đồng.

Năm 2014 là vùng trũng của SJC khi doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu chạm đáy về mức 16.037 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 3 năm, doanh thu của công ty đã giảm 7 lần.

Đến giai đoạn từ năm 2015 trở đi, hoạt động kinh doanh SJC dần hồi phục trở lại. Doanh thu của công ty vượt 20.000 tỷ đồng vào năm 2016 và luôn ổn định trên mức này. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường vàng miếng bị quản lý chặt chẽ, giá vàng cũng liên tục biến động, kết quả kinh doanh của SJC vẫn không thể quay trở lại như trước.

Đồng thời, lợi nhuận của SJC cũng không ổn định qua các năm. Trong khi doanh thu lên đến cả chục nghìn tỷ đồng, lợi nhuận của công ty vẫn chỉ dao động ở mức vài chục tỷ đồng/năm và từ năm 2014 đến nay vẫn chưa thể vượt mốc 100 tỷ đồng.

Năm 2012, SJC báo lãi sau thuế 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2013, khoản lãi này giảm về mức 191 tỷ đồng và liên tiếp thụt lùi trong những năm sau đó. Năm 2018, lợi nhuận của công ty đón mức lãi thấp nhất 28 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023, SJC vẫn báo lãi trước thuế 87,5 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng 24% lên 61 tỷ đồng.

Doanh thu thuần của công ty đạt trên 28.408 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước với phần lớn doanh thu là từ hoạt động kinh doanh vàng, doanh thu cung cấp dịch vụ chiếm tỉ trọng không đáng kể.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản SJC được ghi nhận ở mức 1.898 tỷ đồng, tăng 9,1% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn với gần 1.683 tỷ đồng, chiếm 88,7% tổng tài sản.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của công ty tại thời điểm đó đã tăng 21% so với đầu năm lên 1.447 tỷ đồng. Trong đó chỉ có chưa đến 7 tỷ đồng là nguyên vật liệu. Còn lại là thành phẩm và hàng hóa chiếm 1.387 tỷ đồng, tương đương 95%.

SJC đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 84 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dự phòng giảm giá hàng tồn kho thành phẩm là gần 67 tỷ đồng.

Vietcombank chính thức bán vàng miếng SJC qua ứng dụngDoanh nghiệp 12 năm độc quyền vàng miếng thu hơn 28.400 tỷ đồng năm 2023

Tại báo cáo tài chính của SJC, đơn vị kiểm toán độc lập đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với khoản trích lập này.

Theo đó, công ty đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo biên bản lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31/12/2023 do công ty tự đánh giá.

Với những tài liệu hiện tại SJC cung cấp, công ty kiểm toán không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá này với số tiền lũy kế đến ngày 31/12/2023 là hơn 83,9 tỷ đồng (số liệu lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 25,9 tỷ đồng), số tiền hoàn nhập dự phòng trong năm 2023 là 10,7 tỷ đồng và số trích dự phòng bổ sung trong năm 2023 là 68,8 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, SJC đề ra mục tiêu doanh thu 30.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 92,7 tỷ đồng và 70,2 tỷ đồng. Công ty cũng đặt ra mục tiêu sản lượng vàng miếng đạt 31.692 lượng và tiêu thụ 444.912 món nữ trang.

Đồng thời, công ty sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang để trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về nữ trang và mở rộng thị trường kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á.

Bạn đang đọc bài viết "SJC và câu chuyện 12 năm "độc quyền" vàng miếng" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).