Mang nghệ thuật Lân Sư Rồng đến gần hơn với giới trẻ

22/04/2025 09:00

Biểu diễn Lân Sư Rồng là hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại TP Hồ Chí Minh, thường được diễn ra trong dịp Tết, lễ hội…

Bên cạnh các yếu tố nghệ thuật, múa Lân Sư Rồng còn mang ý nghĩa tâm linh, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự đoàn kết gắn bó cộng đồng. Với nhiều chương trình, sân khấu biểu diễn và đa dạng các hình thức kết hợp, bộ môn nghệ thuật này ngày càng được quảng bá rộng rãi, gần gũi hơn với thế hệ trẻ. 

Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lân - Sư - Rồng là các linh vật tượng trưng cho sự bảo hộ, che chở trong cuộc sống. Xuất phát từ truyền thuyết của người Hoa, nghệ thuật này được biểu diễn trong các lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu hay các sự kiện khai trương, động thổ… với mong muốn, hy vọng về sự may mắn, thịnh vượng.

Nghệ thuật trong các bài biểu diễn Lân Sư Rồng vừa mạnh mẽ, uyển chuyển vừa mạo hiểm, đẹp mắt, thể hiện lòng dũng cảm, sự nhanh nhẹn, khéo léo cũng như tinh thần thượng võ của các nghệ nhân.

Chú thích ảnh Biểu diễn Lân Sư Rồng là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của cộng đồng người Hoa tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có khoảng 63 đoàn Lân Sư Rồng đang hoạt động với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, phân bố khắp các quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, có những đoàn như Liên Nghĩa Đường thành lập từ năm 1923 với lịch sử cả trăm năm hình thành.

Nhiều đoàn còn có tuổi đời 70 - 80 năm như Nhơn Nghĩa Đường (87 năm), Kim Long Phước Kiến (80 năm), Tinh Anh Đường (70 năm), Hải Nam Liên Hữu (70 năm)... còn lại đa số các đoàn có tuổi đời từ 35 - 50 năm như Hằng Anh Đường, Hồng Thái Đường, Thắng Nghĩa Đường, Thắng Anh Đường, Đoàn Nghĩa Đường, Liên Dũng Đường...

Chú thích ảnh Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 63 đoàn Lân Sư Rồng đang hoạt động. Ảnh: Mạnh Linh.

Dù nghệ thuật Lân Sư Rồng đã có lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển với quy mô lớn, nhưng mãi đến những năm gần đây, tổ chức chính thức đại diện cho bộ môn này mới được thành lập. Năm 2021, Liên đoàn Lân Sư Rồng TP Hồ Chí Minh ra đời.

Nói theo ông Lương Tấn Hằng, Trưởng đoàn Lân Sư Rồng Hằng Anh Đường, “đây là niềm tự hào không chỉ của những người làm Lân Sư Rồng mà còn của cả cộng đồng, từ đó giúp thế hệ trẻ có ý thức gìn giữ, phát huy bộ môn nghệ thuật này; đồng thời khẳng định giá trị của những người đã gắn bó với Lân Sư Rồng từ xưa đến nay”. Còn ở cấp quốc gia, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam mới chính thức được thành lập ngày 15/4/2023.

Chú thích ảnh Biểu diễn Lân Sư Rồng thường nhận được sự cổ vũ của đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Mạnh Linh

"Từ khi được thành lập cho đến nay, Liên đoàn là nơi quy tụ, tập hợp của các đoàn lân trong cộng đồng người Hoa. Góp phần vào công tác bảo tồn, Liên đoàn đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát tư liệu lịch sử về nguồn gốc, kỹ năng biểu diễn, trang phục, đạo cụ và các yếu tố văn hóa liên quan đến Lân Sư Rồng”, Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng TP Hồ Chí Minh Lư Chấn Lợi cho biết.

Đưa nghệ thuật này đến gần hơn với giới trẻ

Theo chân nhóm sinh viên Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông của trường Đại học Văn Lang đến thăm đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường - thuộc môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật đã có quá trình hình thành và phát triển tại Việt Nam trong 43 năm, chúng tôi mới cảm nhận được sự thay đổi, gần gũi hơn, chạm được đến các bạn trẻ nhiều hơn.

Chú thích ảnh Khu trưng bày truyền thống tại Thắng Nghĩa Tổ Quán.

Được du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX, đến năm 1933, bậc cao thủ Thái Lý Phật là Đặng Văn Thành từ Quảng Châu qua Việt Nam truyền dạy môn võ công này tại khu chợ Thiếc (Quận 11), đồng thời là người đầu tiên đưa môn phái Bắc Thắng Thái Lý Phật vào Việt Nam.

Đến năm 1979, ông thành lập đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường (ngụ ý làm việc nghĩa phải trước mọi người). Đồng thời, ông đăng ký võ phái với tên gọi Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật tại Liên đoàn Võ Cổ Truyền Việt Nam, từ đó mở ra một trang sử mới trong công tác truyền dạy và phát triển võ phái Thái Lý Phật tại Việt Nam.

Chú thích ảnh Mô hình đầu lân.

Năm 2018, Thắng Nghĩa Tổ Quán được thành lập và đến năm 2022 chính thức được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam: "Đoàn lân sư rồng đầu tiên xây dựng Tổ quán và phòng truyền thống nhằm lưu giữ và tôn vinh các giá trị, tư liệu của môn phái Thái Lý Phật tại Việt Nam".

Lần đầu tiên được đến thăm và nghe giới thiệu về lịch sử hình thành đoàn Lân Sư Rồng, cũng như lần đầu tiên được xem biểu diễn múa lân, bạn Quỳnh Nhi, sinh viên năm 2 trường Đại học Văn Lang tỏ ra thích thú và ấn tượng cho biết: “Không chỉ được xem các nghệ nhân biểu diễn múa lân, chúng em còn có thể hiểu hơn về từng nét văn hóa và những giá trị tinh thần mà đoàn lân mang lại”.

Chú thích ảnh Cách các bạn trẻ chụp hình check-in, bắt trend với nghệ thuật Lân Sư Rồng truyền thống.

Anh Huỳnh Gia Bửu, tổng chỉ đạo đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường vừa thuyết minh cho các bạn sinh viên về những hình ảnh, kỷ vật của đoàn, vừa trải lòng: “Ngoài kỹ thuật biểu diễn, các đoàn Lân Sư Rồng còn phải giữ vững các tôn chỉ về tam nghệ, tam đức. Ngoài tập luyện múa Lân Sư Rồng thì người nghệ nhân còn phải rèn luyện đạo đức để trở thành những người có ích cho xã hội”.

Chú thích ảnh Nghệ thuật Lân Sư Rồng đang ngày càng đổi mới và đa dạng cách thức, đến gần hơn với thế hệ trẻ.

Là giảng viên môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam của trường Đại học Văn Lang, cô Quách Thuyên Nhã Uyên thường xuyên đưa các bạn sinh viên đến học tập ngoại khóa và tham quan, tìm hiểu những bộ môn nghệ thuật truyền thống như thế này.

“Trong giai đoạn hiện nay, các đoàn Lân Sư Rồng đang có những cách thức chiến lược để phát triển và đổi mới sao cho phù hợp với thực tại, đến gần hơn với công chúng và thế hệ trẻ nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Đó là điều quan trọng cốt lõi vì không những không làm biến đổi, mất đi nghệ thuật truyền thống mà còn giữ được nét văn hóa cho thế hệ mai sau”, cô Quách Thuyên Nhã Uyên nhận định.

Bạn đang đọc bài viết "Mang nghệ thuật Lân Sư Rồng đến gần hơn với giới trẻ" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).