

Tham dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh; Mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 400 hội viên Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh cùng các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu chiến binh, dân công hỏa tuyến, nữ biệt động Sài Gòn…


Buổi gặp gỡ là dịp tái hiện ký ức lịch sử sống động thông qua những chia sẻ chân tình, xúc động của những nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và các chiến trường ác liệt trong những năm tháng kháng chiến.



Ông Trần Văn Triệu (tên gọi thân mật là Năm Nhàng), 93 tuổi, nguyên Phó Trưởng ban Điệp báo An ninh T4, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau ngày giải phóng, xúc động chia sẻ: “Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi thật sự phấn khởi và tự hào khi có mặt trong buổi gặp mặt đặc biệt này. Đây là cơ hội vô cùng quý báu để tôi, ở cái tuổi 93 này, có thể được gặp lại những đồng chí, đồng đội từng cùng vào sinh ra tử giữa lòng địch. Những câu chuyện của chúng tôi hôm nay không chỉ là ký ức, mà là cả một thời máu lửa không thể nào quên”.

“Thời gian năm tháng sẽ qua đi, nhưng những ký ức về một thời máu lửa, đạn bom vẫn luôn lắng đọng mãi trong tâm trí chúng ta. Tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 luôn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào, truyền thống quý báu, tiếp thêm sức mạnh để dân tộc ta vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Triệu chia sẻ thêm.
Ông Trần Văn Triệu cũng tâm sự: “Ký ức về những người đồng chí đã ngã xuống vẫn day dứt trong tôi. Những người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài liệu, bảo vệ đồng đội. Họ bị địch tra tấn dã man nhưng không hề lay chuyển. Tinh thần đó là ngọn lửa thiêng bất diệt của cách mạng”.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Bích Nga, cựu nữ biệt động Sài Gòn nghẹn ngào khi nhắc lại những ký ức hào hùng xen lẫn đau thương của thời chiến: “Tháng Tư về, tim tôi lại thổn thức. Cảm xúc ngày toàn thắng như ùa về. Ngày ấy, tôi và đồng đội đã sống trong lòng địch, hoạt động trong bóng tối, với tinh thần không sợ hy sinh, không màng hiểm nguy. Chúng tôi chiến đấu không phải vì vinh quang cá nhân, mà vì một lý tưởng chung - đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc”.

Bà kể lại những trận đánh ác liệt, nơi nhiều người đồng đội đã mãi mãi nằm xuống. Những lần bị địch bắt, tra tấn, chiến sĩ biệt động vẫn giữ vững khí tiết. “Chúng tôi chiến đấu bằng trái tim cháy bỏng yêu nước, bằng bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Mỗi trận đánh là một lần giành giật sự sống, là lời thề ‘quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh’. Những cống hiến đó, tôi tin lớp trẻ hôm nay sẽ không bao giờ lãng quên”, bà Nguyễn Thị Bích Nga khẳng định.
Đại diện cho lực lượng dân công hỏa tuyến, bà Phùng Thị Vinh cũng chia sẻ với niềm xúc động sâu sắc: “Chúng tôi không cầm súng, nhưng là cánh tay nối dài của tiền tuyến. Mỗi bước chân tải đạn, mỗi lần cáng thương, mỗi đêm dựng lán cứu thương là một đóng góp cho chiến thắng. Chúng tôi có thể không được nhắc tên trong những bản hùng ca, nhưng trong trái tim mình, tôi biết chúng tôi đã sống trọn với thời đại, trọn với Tổ quốc”.

Bà kể lại những ngày gùi hàng, trèo đèo, lội suối dưới làn bom đạn ác liệt chỉ mong đến ngày chiến thắng. Giờ đây, khi nhìn thấy đất nước đổi mới, phát triển, lòng bà dâng trào niềm tự hào.
“Tôi nhìn thấy những con đường cao tốc vắt qua sông, những cây cầu nối liền hai bờ mơ ước. Thành phố nơi tôi từng vác gạo, tải đạn nay rực rỡ ánh đèn. Con cháu chúng tôi giờ được học hành, trưởng thành, viết tiếp những giấc mơ hòa bình bằng bàn phím, máy tính… Đó là phần thưởng lớn nhất đời tôi”, bà Phùng Thị Vinh cho biết.
Bà Vinh cũng tin tưởng vào thế hệ hôm nay: “Đảng ta đang thực hiện những cuộc cách mạng mới - cải cách, tinh gọn bộ máy, phục vụ nhân dân. Khi thấy cán bộ về cơ sở, sát dân, tôi thấy hình bóng Bác Hồ ngày nào. Dù đã già, chúng tôi vẫn luôn mang trong tim ngọn lửa ‘Thần tốc - Quyết thắng’. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp bước truyền thống ấy, vững vàng dựng xây và bảo vệ Tổ quốc”.
Khép lại buổi gặp mặt đầy xúc động, các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT, cựu chiến binh đều thể hiện niềm tin vững chắc vào sự phát triển của đất nước. Trong ký ức của họ, ngày 30/4 không chỉ là mốc son lịch sử, mà là lời nhắc nhở về ý chí kiên cường, lòng yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam.