Huyện biên giới khó khăn xứ Thanh có thủy điện hơn 418 tỷ đồng

29/12/2024 00:14

Dự án đập thuỷ lợi kết hợp thuỷ điện Tén Tắn huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hoá được đầu tư hơn 418 tỷ đồng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện biên giới Mường Lát.

Sáng 28/12, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hà Văn Ca Bí thư huyện ủy Mường Lát Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa cùng địa phương vừa tiến hành khởi công xây dựng dự án thuỷ lợi kết hợp thuỷ điện Tén Tắn. Đây là công trình lớn nhất từ trước tới nay tại địa phương, dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển.

"Dự án thuỷ lợi kết hợp thuỷ điện Tén Tắn được người dân huyện Mường Lát mong mỏi bấy lâu. Việc khởi công dự án đem lại sự động viên, phấn khởi rất lớn của người dân địa phương khi giúp người dân chủ động thuận lợi hơn trong việc sản xuất cũng như cung câp nguồn điện để sản xuất và sinh hoạt. Dự án rất có ý nghĩa với địa phương khi là huyện biên giới còn nhiều khó khăn và nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vì vậy, từ dự án này kỳ vọng góp phần thu hút đầu tư, kích thích phát triển kinh tế xã hội của địa phương", ông Hà Văn Ca hồ hởi thông tin.

Huyện biên giới khó khăn xứ Thanh có thủy điện hơn 418 tỷ đồng- Ảnh 1.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tăn có vai trò quan trọng đối với đời sống người dân huyện biên giới khó khăn Mường Lát.

Theo UBND huyện Mường Lát, dự án được đầu tư trên khu đất có tổng diện tích 14,41ha tại thị trấn Mường Lát và xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa); tổng vốn đầu tư dự kiến 418,5 tỷ đồng. 

Đây là dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi kết hợp thủy điện, với công suất thiết kế nhà máy thủy điện là 12MW, cung cấp nước tưới cho khoảng 240ha đất sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 4.000 người dân trên địa bàn. 

Dự án có 3 cụm công trình chính đó là: một là cụm công trình đầu mối gồm đập dâng nước, đập tràn cửa van, cửa nhận nước thủy điện, cửa lấy nước thủy lợi; hai là đường hầm dẫn nước đi ngầm trong lòng núi dài 3,4Km nối từ cửa nhận nước về nhà máy thủy điện; ba là nhà máy thủy điện đặt bên bờ phải sông Mã tại khu phố Chiềng Cồng. 

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, giai đoạn năm 1995 - 2000, dự án thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn đã được Bộ Nông nghiệp đầu tư cho huyện Mường Lát. cung cấp điện cho nhân dân khu vực biên giới khi đó chưa có điện lưới quốc gia và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và nước tưới cho nhân dân 2 xã Tén Tằn và Quang Chiểu. 

Thanh Hóa: Thủy điện Cẩm Thủy 1 lý giải việc xả lũ gấpThanh Hóa: Thủy điện Cẩm Thủy 1 lý giải việc xả lũ gấpĐỌC NGAY

Trải qua hơn 20 năm đưa vào sử dụng, dự án này đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng lâu dài, vốn đầu tư công trình những năm 2000 còn hạn chế, cộng với điều kiện khu vực miền núi thường xuyên xảy ra mưa lũ lớn, nên công trình bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy năm 2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư xây dựng dự án mới nhằm phát huy hiệu quả kinh tế và cung cấp nước cho nhân dân địa phương. 

Tháng 1/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã ký quyết định số 345/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Mường Lát thực hiện dự án Thủy lợi kết hợp thủy điện Tén Tằn. 

Mường Lát là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa. Huyện Mường Lát có vị trí địa lý: Phía bắc giáp huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Phía tây và nam giáp Lào. Phía đông và đông nam giáp huyện Quan Hóa.

Huyện Mường Lát có diện tích 812,41km², dân số năm 2022 là 43.601 người, mật độ dân số đạt 54 người/km².Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc sinh sống chủ yếu là Thái, Mông, Kinh, Mường, Khơ Mú và Dao, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm đa số.

Đáng chú ý, thu ngân sách hàng năm của huyện Mường Lát chỉ khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Huyện biên giới khó khăn xứ Thanh có thủy điện hơn 418 tỷ đồng" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).