Hưởng lợi đôi đường, cổ phiếu GVR bay cao

27/06/2024 12:03

Tiềm năng từ quỹ đất cho thuê khu công nghiệp trong dài hạn cùng với mảng cao su dự kiến sẽ trở nên tích cực hơn đã thúc đà tăng của cổ phiếu GVR thời gian gần đây.

Kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã bốc đầu tăng tới 72%, áp sát đỉnh cao nhất trong vòng 3 năm gần đây.

Nổi bật nhất là phiên 26/6, mã này tăng kịch trần lên 35.950 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng tăng đột biến lên 10,3 triệu đơn vị, gấp 2,2 lần so với khối lượng bình quân trong vòng 1 tháng qua.

Bước sang phiên giao dịch sáng 27/6, cổ phiếu GVR tiếp đà thăng hoa khi tăng khoảng 1% lên quanh vùng giá 36.300 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá tương ứng ở mức 145.200 tỷ đồng (5,6 tỷ USD), tăng 61.200 tỷ đồng so với hồi đầu đầu năm.

Tài chính - Ngân hàng - Hưởng lợi đôi đường, cổ phiếu GVR bay cao

Diễn biến thị giá của GVR.

Cùng với đó, kết quả kinh doanh và định hướng sản xuất kinh doanh trong của GVR cũng góp phần giúp cổ phiếu này bay cao.

Hưởng lợi lớn từ quỹ đất cao su chuyển đổi

Trong giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với diện tích 2.921 ha, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm 16.592 ha. Trong đó, tập đoàn làm chủ đầu tư 10.997 ha tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; và các đơn vị đầu tư 5.615 ha.

Trước đó, năm 2023, VRG tập trung phát triển nhiều dự án khu công nghiệp quy mô lớn như dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II diện tích 344 ha (Bình Dương); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng diện 360 ha (Bình Dương); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp diện tích 317 ha (Bình Phước); dự án Khu công nghiệp Minh Hưng III mở rộng diện tích 577,53 ha (Bình Phước); dự án Khu công nghiệp Hiệp Thạnh giai đoạn I diện tích 95,17 ha (Tây Ninh)…

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV, GVR nhiều tiềm năng từ quỹ đất cao su chuyển đổi lớn. Từ cuối 2023 đến nay, 3 tỉnh GVR sở hữu quỹ đất cao su lớn Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh với tổng diện tích chuyển đổi lên đến gần 25.000 ha. Ngoài ra, Bình Dương và Đồng Nai cũng đang chờ được thông qua quy hoạch kỳ cuối.

Nhờ đó, KBSV kỳ vọng tốc độ chuyển đổi đất và triển khai các dự án khu công nghiệp của GVR sẽ được đẩy nhanh hơn trước. Quỹ đất cao su lớn này khi được tiến hành chuyển đổi thành khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo dòng tiền từ bồi thường, cũng như cho thuê khu công nghiệp cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Chứng khoán KBSV nhận định việc Nam Tân Uyên 3 – KCN nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bình Dương – được giao đất vào cuối tháng 5 vừa qua đã tạo dư địa tăng trưởng trong ngắn và trung hạn cho GVR, dự kiến đóng góp vào kết quả kinh doanh của GVR từ 2024.

Theo ước tính sơ bộ của Nam Tân Uyên, dự án Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ đồng/năm đến 2027 – 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến từ năm 2024.

Về tiềm năng, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS Research), năm 2024 và 2025, mảng cao su dự kiến sẽ trở nên tích cực hơn, cùng với đó mảng bất động sản khu công nghiệp đầy tiềm năng sẽ là các yếu tố chính kéo doanh thu của GVR lên.

Thập kỷ kinh doanh trồi sụt

Hưởng lợi từ giá cao su tăng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng lại có bức tranh tài chính sáng giá. Nhờ đó, công ty có nguồn tiền dồi dào, đổ sang đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản,…

Trong giai đoạn năm 2012, GVR ghi nhận doanh thu kỷ lục đạt 26.457 tỷ đồng, lợi nhuận đạt đỉnh 6.596 tỷ đồng. Đến nay đã hơn 10 năm vẫn chưa thể vượt qua kỷ lục của chính mình lập ra.

Tuy nhiên, giai đoạn từ 2013 - 2015, giá cao su không còn tăng như kỳ vọng, cả doanh thu và lợi nhuận của GVR đều tụt dốc không phanh. Theo đó, doanh thu thuần đạt 15.069 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.016 tỷ đồng - tức giảm lần lượt 43% và 69% so với cùng kỳ năm 2012.

Với kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2021 tăng vọt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiến gần tới kỷ lục kinh doanh. Song, chưa kịp “lật đổ” kỷ lục thì những năm sau đó ngành cao su lại chịu tác động từ diễn biến giá cao su giảm, dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh đi lùi.

Theo đó, dù có lãi ròng trong quý cuối năm 2023 tăng đến 28%, với điểm sáng từ lãi hoạt động tài chính và lợi nhuận khác. Nhưng cả năm 2023, lợi nhuận của GVR vẫn giảm 33%, còn khoảng 2.585 tỷ đồng, trước tình hình mảng chủ lực mủ cao su gặp nhiều khó khăn.

Quý I/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.585 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su với 3.390 tỷ đồng, chiếm 74% tổng doanh thu; doanh thu thuần chế biến gỗ 540 tỷ đồng; doanh thu thuần kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng 142 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, GVR báo lãi quý I/2024 đạt 650 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Bạn đang đọc bài viết "Hưởng lợi đôi đường, cổ phiếu GVR bay cao" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).