NHNN cho biết, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP được nghiên cứu, xây dựng căn cứ Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) ngày 16/6/2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD ngày 20/11/2017, Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012. Tuy nhiên, những văn bản này đã được thay thế, do vậy, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Trong 5 năm triển khai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các đơn vị gặp một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định như: biện pháp khắc phục hậu quả, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt,….
Việc quy định chế tài xử phạt tại Nghị định 88 được xây dựng trên các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số các văn bản quy phạm pháp luật này đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, do vậy, cần rà soát và chỉnh sửa lại nội dung Nghị định.
Hiện nay, Nghị định 88 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Nghị định số 23/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023, do đó, việc thay thế Nghị định 88 để rà soát, hợp nhất các quy định tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu các quy định về xử phạt.
Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là cần thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật tiền tệ và ngân hàng nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên các định hướng như sau:
Thứ nhất, sửa đổi các quy định phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt phù hợp với các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đảm bảo tính răn đe, xử phạt nghiêm minh;
Thứ ba, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thanh tra, xử phạt.
Đề xuất 4 chính sách
Liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, NHNN đề xuất các chính sách như sau:
Chính sách 1: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Luật Các TCTD phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD 2024 về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 15, quy định về thông báo cho NHNN việc bổ nhiệm người đảm nhiệm chức vụ người đại diện theo pháp luật tại Điều 11, yêu cầu về khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại, kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập.
Chính sách 2: Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Luật Phòng, chống rửa tiền phù hợp với quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 về xây dựng quy trình quản lý rủi ro tại Điều 16, quy định liên quan đến khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị tại Điều 17, quy định về sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới, giám sát đặc biệt giao dịch tại Điều 18, 19, 20.
Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc và các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với hành vi vi phạm hành chính.
Chính sách 4: Bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với các vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý Tham khảo thêm