Nhận định đầu tư
Chứng khoán Vietcomank (VCBS): Chỉ số tăng nhẹ đi cùng diễn biến phân hóa trên thị trường cho thấy sự luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu trong xu hướng đi lên và là tín hiệu tích cực, dù thanh khoản chưa khó có khả năng bùng nổ trong giai đoạn này.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tranh thủ chốt lời nốt những mã đã đạt mục tiêu lướt sóng T+ để cơ cấu danh mục sang những cổ phiếu đã điều chỉnh về các vùng hỗ trợ nhưng vẫn đang nằm trong xu hướng đi lên và tiếp tục thu hút được dòng tiền ổn định. Cụ thể là ở một số nhóm ngành như thép, bất động sản, thủy sản.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Sức mạnh phiên giao dịch 9/12 có dấu hiệu suy yếu khi tạo thành một cây nến tăng với râu dài ở phía trên, kết hợp với phiên giao dịch trước đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn lạc quan.
Thanh khoản tăng lên đã hỗ trợ tốt cho thị trường nhưng xu hướng tăng của thanh khoản cần được duy trì để mở ra các kịch bản tươi sáng hơn.
Nhà đầu tư đã có cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ. Những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp vẫn nên chờ phiên xác nhận (phiên thanh khoản tăng) để mở vị thế tham gia.
Chứng khoán Đông Á (DAS): Đồ thị nến ngày thể hiện VN-Index thoát khỏi vùng giằng co và tiếp tục duy trì xu hướng tăng.
Chiến lược giao dịch trong giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư có thể nắm giữ các nhóm cổ phiếu có định giá hợp lý và được dự báo tăng trưởng trong quý IV như nhóm ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng, bán lẻ trong danh mục đầu tư trung dài hạn.
Đối với các giao dịch ngắn hạn có thể tìm kiếm cơ hội trên nhóm cổ phiếu thép, công nghệ, chứng khoán.
Khuyến nghị đầu tư
- PNJ (CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận): Mua. Giá mục tiêu một năm là 117.000 đồng/cổ phiếu, tăng 21% so với hiện tại.
Quý III/2024, lợi nhuận ròng của PNJ giảm xuống mức 216 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ), do chi phí nguyên liệu vàng tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt vàng, ghi nhận chi phí bán hàng và quản lý không đồng đều giữa các quý, lỗ do ghi giảm hàng tồn kho và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp lớn hơn dự kiến.
Tuy nhiên, 3 trong 4 vấn đề trên chủ yếu mang tính ngắn hạn và sẽ dần giảm bớt. Do đó, SSI Research cho rằng lợi nhuận ròng của PNJ sẽ có khả năng trở lại mức tăng trưởng dương trong quý IV/2024 (tăng 18% so với cùng kỳ).
Nhìn sang năm 2025, PNJ sẽ tiếp tục xu hướng tăng thị phần, giúp doanh thu bán lẻ của PNJ tăng 14% so với cùng kỳ. Vấn đề thiếu hụt vàng có thể vẫn còn tiếp diễn trong năm 2025 nhưng có thể không nghiêm trọng như năm 2024.
SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của PNJ sẽ cải thiện trong năm 2025 do tỉ trọng doanh thu bán lẻ trong cơ cấu doanh thu tăng lên, tình trạng thiếu hụt vàng bớt nghiêm trọng hơn và không ghi nhận trích lập hàng tồn kho.
Lợi nhuận ròng dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ).
- LCG (CTCP Lizen): Chờ bán.
Quý III/2024, LCG đạt doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt là 654 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ) và 36 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ). Kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ nghiệm thu các dự án xây dựng chính (cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Vũng Áng - Bùng…).
TCBS đánh giá Kết quả kinh doanh mảng xây dựng cốt lõi sẽ ổn định so với cùng kỳ với các dự án đang thực hiện đúng tiến độ, tuy nhiên công ty có thể ghi nhận lãi thanh lý khoản đầu tư tại công ty con Năng lượng tái tạo Licogi 16 vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, giá chuyển nhượng khoảng 300 tỷ đồng.
- VGC (Tổng Công ty Viglacera - CTCP): Chờ mua. Tổng Công ty Viglacera vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp Trấn Yên tại Yên Bái với tổng diện tích ~55ha và tổng mức đầu tư ~2.184 tỷ đồng, TCBS đánh giá mặc dù chưa thể tác động ngay vào kết quả kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, việc được triển khai khu công nghiệp này kì vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong tương lai. TCBS kỳ vọng kết quả kinh doanh 2025 của công ty sẽ có sự hồi phục tốt, đặc biệt ở mảng BĐS khu công nghiệp, nhà đầu tư quan sát để tìm cơ hội giải ngân khi cổ phiếu có dấu hiệu tạo đáy trong các phiên tới.