Giải ngân vốn đầu tư công thấp, Cà Mau tìm cách gỡ vướng

24/09/2024 20:30

Thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tăng cường chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, không để chuyển nguồn sang năm sau.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tổng Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh (bao gồm năm 2023 chuyển sang năm 2024) là hơn 5.228,3 tỷ đồng, gồm 100 dự án, nhiệm vụ chi.

Đến hết quý III năm nay, tỉnh giải ngân đạt khoảng 75% kế hoạch vốn. Tỉnh đang phấn đấu đến 31/1/2025 sẽ giải ngân đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công. 

Ngoài ra, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt trong mùa khô gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.

Giải ngân vốn đầu tư công thấp, Cà Mau tìm cách gỡ vướng- Ảnh 1.

Tỉnh Cà Mau tìm cách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tinh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế về giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, có 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt quá thấp, tiến độ giải ngân không cải thiện so với tháng 7/2024.

Một số gói thầu khối lượng thi công chưa bù được số vốn tạm ứng hợp đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 16,3% so với tháng 7/2024; một số nhiệm vụ đã được tăng cường chỉ đạo nhưng chưa có nhiều chuyển biến tích cực; một số sở, ngành chưa chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 6630/UBND-TH ngày 13/8/2024.

Tỉnh phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc khác, theo ông Lâm Văn Bi, tỉnh Cà Mau sẽ yêu cầu các chủ đầu tư chủ động phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, tránh trường hợp để dồn vào thời gian cuối niên độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 3: Tháo “điểm nghẽn” do cơ chế thủ tụcTăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 2: Nỗ lực “tiêu” hết tiền được giaoTăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 1: Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Trong đó, lưu ý các dự án sử dụng nguồn vốn không được phép chuyển nguồn, hết thời gian bố trí vốn, hết thời gian giải ngân mà không được kéo dài thời gian giải ngân... để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định các khoản dôi dư do giảm giá sau đấu thầu.

Theo ông Lâm Văn Bi, đối với những chủ đầu tư có khối lượng thi công thấp hơn số vốn tạm ứng theo hợp đồng, yêu cầu các chủ đầu tư rà soát nguyên nhân, có giải pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công để thanh toán hoàn tạm ứng theo quy định.

Đối với những chủ đầu tư có khối lượng thi công cao hơn số vồn giải ngân, khẩn trương làm hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, giải ngân vốn theo quy định.

Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024.

Khoản tiết kiệm này, sẽ để dành nguồn giảm bội chi ngân sách Nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển. 

Mới đây (20/9), UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu các sở, ngành là chủ các chương trình và các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp, tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án, công trình, sớm triển khai thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định. Lập kế hoạch giải ngân hàng tuần, hàng tháng làm căn cứ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Chủ động triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện các CTMTQG năm 2025.

Bạn đang đọc bài viết "Giải ngân vốn đầu tư công thấp, Cà Mau tìm cách gỡ vướng" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).