Cần quy định rõ hơn vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

23/11/2024 08:30

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chú thích ảnh Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Cần rà soát, đánh giá thêm

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần rà soát, quy định rõ hơn, kỹ lưỡng hơn vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân liên quan đến các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân sách. Đồng thời cần rà soát, xác định đầy đủ nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát, trong đó không được nhầm lẫn giữa yêu cầu với nguyên tắc. Quy định nguyên tắc phải theo hướng tôn trọng, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần quy định rõ ràng nguyên tắc về chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát một cách khoa học, chặt chẽ, đúng thẩm quyền và trách nhiệm để giải quyết những vấn đề cốt yếu nhất, bức xúc nhất và những vấn đề đang nổi lên đã được giám sát. Cùng với đó, cần rà soát, xác định rõ ràng hơn tiêu chí chọn nội dung giải trình, nội dung chất vấn đối với Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban thuộc Hội đồng nhân dân.

Theo Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH Bắc Giang, phạm vi dự án Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành, nhưng thực tế đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung, do vậy cần có sự rà soát, đánh giá thêm. Dự thảo Luật quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội là: những vấn đề mang tính thời sự, gắn với quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp, thuộc nhiều lĩnh vực… Tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tương tự như vậy.

Đề nghị, cần phân biệt rõ chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát của Quốc hội cần quy định những vấn đề về xây dựng và thực thi pháp luật, vấn đề quan trọng của đất nước, có tính tổng hợp, thuộc nhiều lĩnh vực và là những vấn đề đang có biểu hiện bất cập và có tính cấp bách.

Bổ sung thêm các giải pháp tăng cường sự giám sát 

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Vì vậy, nội dung này mang tính chất mục đích của hoạt động giám sát chứ không phải nguyên tắc. Nên cân nhắc không bổ sung nội dung này vào nguyên tắc của hoạt động giám sát.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu với quy định của luật hiện hành, một số kết luận, kiến nghị giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là chưa có cơ chế, quy định để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các kết luận, kiến nghị giám sát.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp mới thực sự hiệu quả để tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 52 dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong triển khai hoạt động giám sát của Đoàn biểu Quốc hội; nghiên cứu bổ sung quy định về thẩm quyền của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Bạn đang đọc bài viết "Cần quy định rõ hơn vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).