Trước khi thảo luận tại tổ, làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc Quốc hội xem xét ban hành Luật sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Các đại biểu đề nghị đề giám sát của Quốc hội phải có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng đặt ra cho Quốc hội, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Thông qua giám sát phải chỉ ra được điểm mạnh, vấn đề còn hạn chế; đặc biệt đưa ra kiến nghị/giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, quan tâm tới hậu giám sát, đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật hoàn chỉnh các khái niệm về giám sát tối cao, giám sát chuyên đề, giám sát của Quốc hội, giám sát của Hội đồng nhân dân; đảm bảo ngắn gọn, tập trung, rõ nghĩa, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện và dễ giám sát; xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết trong hoạt động giám sát; rõ tiêu chí chọn nội dung giải trình;…
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, nguyên tắc hoạt động giám sát phải là những tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát mà mọi chủ thể phải tuân theo khi tiến hành hoạt động giám sát. Do đó, nếu bổ sung thêm nội dung này vào nguyên tắc thì nên tách ra thành mục riêng, còn không thì nên giữ theo dự thảo hiện nay là phù hợp. Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, nên để nguyên tắc theo quy định hiện hành sẽ phù hợp hơn. Nếu đưa ra nguyên tắc phải sát thực với thực tiễn.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và bổ sung một số quy định để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả kết luận giám sát như: cần có quy định định kỳ tổng hợp kiến nghị kết luận giám sát chưa được thực hiện hoặc thực hiện một phần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện giám sát, làm cơ sở trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm. Quy định chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận kiến nghị hoặc thực hiện không đúng yêu cầu. Quy định trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc phản ánh tình hình, kết quả thực hiện kết luận kiến nghị giám sát, tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đồng thời quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để thể hiện trong dự thảo Luật và kiến nghị sửa đổi các quy định trong các luật khác có liên quan; rà soát, đối chiếu dự thảo Luật với các luật khác như: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước,… Đối chiếu với các luật vừa được Quốc hội thông qua hoặc các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát, đối chiếu với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính tương thích.
Một số đại biểu đề nghị việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam phải phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí và không thể áp dụng hiệu quả. Vì nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác cũng phải tuân theo quy chuẩn, quy định của nước đó đề ra. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có quy chuẩn, tiêu chuẩn có quy định cao hơn thực tiễn.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội
23/11/2024 04:02
Chiều 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bạn đang đọc bài viết "Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội" tại chuyên mục Xã hội.
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).