Theo VASEP, mức thuế quan mới, đặc biệt là khả năng áp thuế lên tới 46%, chắc chắn sẽ gây tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và ngành thủy sản không phải là ngoại lệ.
Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, thị trường này không chỉ chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mà còn giữ vị thế là thị trường số 1, có tính định hướng cao cho toàn ngành.
Trước nguy cơ thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, VASEP đã nhanh chóng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương đàm phán với phía Mỹ nhằm tìm kiếm giải pháp điều chỉnh mức thuế xuống mức phù hợp nhất.
Cụ thể, VASEP bày tỏ kỳ vọng Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế "cào bằng" 46% cho tất cả các mặt hàng thủy sản Việt Nam, mà cần có sự phân tách theo từng mã HS với các mức thuế tương ứng.
Đề xuất 'nước cờ' giảm thuế về 0% cho thủy sản Mỹ
Một đề xuất đáng chú ý và có phần bất ngờ từ VASEP là Việt Nam nên xem xét chủ động giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các mặt hàng thủy sản nhập từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm như tôm, cá ngừ.
Lý giải cho đề xuất này, VASEP cho rằng thực tế kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Mỹ vào Việt Nam hiện không đáng kể, thậm chí gần như không có. Tuy nhiên, việc chủ động đưa ra động thái này có thể được xem là một "lá bài" trên bàn đàm phán, tạo cơ sở để đề nghị phía Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu đối ứng tương ứng là 0% cho hàng thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, VASEP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất mốc thời gian áp dụng biểu thuế mới và đề nghị phía Mỹ công nhận ngày hàng được xếp lên tàu (ghi trên vận đơn) là ngày xuất khẩu để tính thuế, tránh gây thiệt hại cho các lô hàng đang trong quá trình vận chuyển.
Doanh nghiệp thủy sản "đứng ngồi không yên", hàng chục nghìn tấn hàng nguy cơ chịu thuế cao
VASEP cũng đưa ra khuyến cáo khẩn cấp tới các doanh nghiệp thành viên cần cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch xuất hàng trong giai đoạn nhạy cảm này. Cụ thể, không nên xuất hàng từ ngày 5/4 để tránh nguy cơ bị áp thuế bổ sung 10% và từ ngày 9/4 để tránh mức thuế đối ứng 46% theo thông báo từ phía Mỹ.
Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, nhiều đơn hàng giá trị lớn đang được thực hiện. Một thực tế khác làm tăng thêm rủi ro là phương thức vận chuyển phổ biến sang Mỹ là DDP (giao hàng đã thông quan nhập khẩu), nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam phải chịu toàn bộ chi phí và rủi ro cho đến khi hàng đến tay người mua tại Mỹ.
Do đó, việc áp mức thuế mới, đặc biệt là mức 46%, đang khiến cộng đồng doanh nghiệp thủy sản hết sức lo ngại về nguy cơ mất thị trường, đồng thời đối mặt với thiệt hại nặng nề cho các lô hàng đang trên đường biển.
Thống kê sơ bộ từ VASEP cho thấy, tại thời điểm thông tin về mức thuế 46% được công bố (ngày 3/4), có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển đến Mỹ. Bên cạnh đó, khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5, cùng với khoảng 38.500 tấn hàng thuộc các đơn hàng đã ký kết cho cả năm.
Nếu hải quan Mỹ áp dụng cách tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng (sau ngày 9/4), toàn bộ các lô hàng đang vận chuyển này sẽ phải đối mặt với mức thuế mới thay vì mức 0% hoặc 5,5-7% (do thuế chống bán phá giá) như trước đây.
VASEP đưa ra ví dụ cụ thể: một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chỉ chịu thuế CBPG khoảng 5% (tương đương 25.000 USD), nay nếu bị áp thuế 46% sẽ phải đóng tới 230.000 USD, tăng thêm 205.000 USD – một chi phí khổng lồ và khó lường đối với doanh nghiệp.
Mức thuế mới này được dự báo sẽ khiến thủy sản Việt Nam mất đi hoàn toàn khả năng cạnh tranh so với các đối thủ lớn khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan... vốn đang được hưởng các mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thấp hơn nhiều. Tình hình đang đòi hỏi những hành động đàm phán quyết liệt và các giải pháp ứng phó kịp thời từ cả phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp.