Tuyên truyền giám sát thực hiện tăng lương tối thiểu vùng

16/07/2024 13:00

Các cấp công đoàn đang triển khai tuyên truyền, giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, song song với mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp bình ổn giá.

Mong giá cả sinh hoạt không tăng theo lương

Chị Hà Thị Mai (quê Yên Định, Thanh Hoá), là công nhân công ty linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long sau những năm tháng làm công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai. “Công ty trả lương cơ bản hơn 5,4 triệu đồng và theo thông báo tăng lương cơ bản lên hơn 5,7 triệu đồng. Việc tăng lương là sự động viên trong bối cảnh giá cả biến động hiện nay", chị Mai chia sẻ.

Chú thích ảnh Công nhân trọ tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Ngoài lương cơ bản, chị Mai và các công nhân trong công ty còn có 300.000 đồng/tháng tiền chuyên cần. Ai làm tăng ca sẽ có thêm một khoản đáng kể. Ước chừng, thu nhập sẽ vào khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, mức này phụ thuộc vào tăng ca khi doanh nghiệp có đơn hàng. Hiện nay, do đơn hàng nhiều, nên công ty còn thưởng cho những người đi làm đủ ngày công trong tháng.

Điều chị Mai và nhiều công nhân lo ngại hiện nay là giá cả, chi phí sinh hoạt đang tăng hơn cả mức lương tăng.

Với anh Trần Thanh Lai, công nhân đến từ Thái Bình, việc tăng lương tối thiểu vùng là chính sách cải thiện đời sống công nhân. “Chỉ mong rằng, thực phẩm, điện, nước không tăng theo để số tiền tăng đó có giá trị...”, anh Lai cho hay.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức quy định. Trường hợp sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 mà lương thỏa thuận trong hợp đồng của người lao động đang bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu đã tăng, công ty không bắt buộc phải điều chỉnh lại tăng lương, lúc này người lao động sẽ được tăng lương chế độ theo hợp đồng lao động nếu có.

Tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội), công nhân lao động của công ty đã được tăng lương từ ngày 1/1/2024, mức lương cao hơn mức quy định lương tối thiểu vùng của Nhà nước. Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty, việc tăng lương cơ bản cho công nhân lao động từ đầu năm 2024 thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo, công đoàn công ty đối với người lao động, để họ bớt khó khăn và yên tâm làm việc.

Còn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long, việc lập kế hoạch chi phí hoạt động, cũng như nghỉ lễ, nghỉ mát, thường đã được công ty lên kế hoạch từ cuối năm trước. Đơn vị cũng đã có đợt tăng lương từ ngày 1/4/2024 và cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước áp từ ngày 1/7/2024.

Nắm bắt sát tình hình

Đây là lần thứ hai trong 4 năm lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7/2024, sau kỳ điều chỉnh ngày 1/7/2022 do ảnh hưởng của COVID-19; còn hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường tăng vào ngày 1/1.

Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%. Nghị định quy định cả lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu giờ. Lương tối thiểu là lương thấp nhất, cơ sở để người sử dụng lao động thỏa thuận và trả lương đối với người lao động. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần, ngày, sản phẩm, lương khoán, mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phân lại địa bàn lương tối thiểu vùng 1, 2, 3, 4 theo điều kiện thực tế. Các công việc, chức danh trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc, chức danh tương đương.

Chú thích ảnh Công nhân với nỗi lo về giá cả sinh hoạt tăng.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, Công đoàn chỉ đạo Công đoàn cơ sở rà soát, nắm bắt tình hình điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại các đơn vị. Khi doanh nghiệp khó khăn, Công đoàn và người lao động đã đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khoảng thời gian sản xuất không ổn định. Còn khi đơn hàng đã có đều, việc sản xuất kinh doanh phát triển, doanh nghiệp sẽ lại chia sẻ với người lao động.

Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, các cấp công đoàn tại địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. LĐLĐ tỉnh đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai để công đoàn cơ sở (CĐCS) chú ý tuyên truyền Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

CĐCS cần đề xuất và giám sát người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai và thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo đúng quy định mới. Trường hợp thang lương, bảng lương của doanh nghiệp không còn phù hợp, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đồng thời, phối hợp rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Nghị định số 74/2024/NĐ-CP. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và hạn chế những cuộc ngừng việc tập thể xảy ra.

Bà Nguyễn Kim Loan yêu cầu các cấp công đoàn tập trung công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động; phối hợp với các cơ quan rà soát đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng quy định tăng lương tối thiểu vùng 6% cho người lao động.

Theo Ban Chính sách và Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện nay, Tổng LĐLĐ đã phân cấp cho các cấp công đoàn cơ sở tuyên truyền và giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. Nếu phát hiện đơn vị không thực hiện đúng theo quy định có phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng để thực hiện đúng theo Nghị định 74/CP.

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên truyền giám sát thực hiện tăng lương tối thiểu vùng" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).