TTC AgriS sắp họp bất thường bàn bổ sung nhân sự
Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã ck: SBT) vừa thông qua nghị quyết tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường niên độ 2024 - 2025. Ngày đăng ký cuối cùng để tham dự đại hội là 30/12/2024, tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/12/2024.
Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 23/1/2025 tại trụ sở chính của công ty ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Nội dung cuộc họp xoay quanh phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, sửa đổi điều lệ, quy chế nội bộ về quản trị Công ty, quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị TTC AgriS hiện có Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Đặng Huỳnh Ức My và 4 thành viên là bà Huỳnh Bích Ngọc, ông Trần Tấn Việt, ông Lê Quang Phúc - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập và ông Trần Trọng Gia Vinh - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Bà Huỳnh Bích Ngọc từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC AgriS từ năm 2019-2024, sau đó từ nhiệm vào ngày 13/07/2024 do hết nhiệm kỳ 5 năm Thành viên Hội đồng quản trị. Vai trò Chủ tịch Công ty do bà Đặng Huỳnh Ức My đảm nhiệm. Bà My chính là con gái của bà Ngọc và ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).
Thanh hoán một số khoản đầu tư không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi
Trước đó, vào đầu tháng 12/2024, Hội đồng quản trị công ty đã quyết định thanh hoán một số khoản đầu tư không liên quan đến hoạt động kinh doanh cốt lõi hoặc không nằm trong chiến lược phát triển của công ty. Danh mục này bao gồm cả các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết, thuộc các lĩnh vực bất động sản, thương mại, logistics và năng lượng.
Danh mục đầu tư dự kiến thanh hoá gồm hai công ty niêm yết là Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã ck: GEG) do TTC AgriS nắm 16,27% vốn, Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (mã ck: VNG) với tỷ lệ sở hữu của TTC AgriS là 1,75%.
Đối với các công ty chưa niêm yết trên sàn,TTC AgriS nắm giữ 36,9% cổ phần ở Công ty cổ phần Toàn Hải Vân; 23,1% cổ phần tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tân Định; 9,55% vốn tại Công ty cổ phần Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đặng Huỳnh; 10,07% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Cụm Công nghiệp Tân Hội.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I niên độ 2024 - 2025, tại ngày 30/9, TTC Agris ghi nhận khoản đầu tư vào GEG với giá trị 750 tỷ đồng, tại VNG là 34 tỷ đồng, Công ty Toàn Hải Vân 1.971 tỷ, Xuất nhập khẩu Tân Định 410 tỷ, Công ty Đặng Huỳnh 266 tỷ và Công ty Tân Hội 15 tỷ. Tổng giá trị ghi sổ của 5 doanh nghiệp vào khoảng 3.446 tỷ đồng.
Nguồn tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Dừng triển khai chào bán trái phiếu ra công chúng
Vào đầu tháng 12, Hội đồng quản trị TTC AgriS đã thông qua việc dừng triển khai chào bán ra công chúng các trái phiếu SBTPO2427001 với tổng mệnh giá 700 tỷ đồng.
Thay vào đó, Công ty sẽ chào bán trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, với tổng mệnh giá 700 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng. Mục đích phát hành là thanh toán nợ gốc vay vốn giữa Công ty với Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai, đáo hạn ngày 30/06/2025. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, động sản và quyền tài sản tại dự án nhà máy đường Tây Ninh thuộc quyền sở hữu của TTC AgriS.
Gánh nợ của TTC AgriS 'phình to'
Về bức tranh tài chính, trong báo cáo tài chính riêng quý I cho niên độ tài chính 2024-2025 (từ ngày 30/6 đến 30/9/2024), TTC AgriS ghi nhận hơn 3.700 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 18% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 336 tỷ đồng, tăng 2,4%.
Đáng chú ý, gánh nặng chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên hoạt động của “đế chế” mía đường nhà Thành Thành Công. Cụ thể, chi phí tài chính ghi nhận hơn 374 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay, dù giảm hơn 10% cùng kỳ năm trước nhưng vẫn khiến hoạt động tài chính lỗ hơn 130 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TTC AgriS chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng, với tỷ suất trên doanh thu chưa tới 2%. Kết quả này khiến lãi ròng của SBT chỉ tương đương năm trước, đạt hơn 57 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, quy mô nợ phải trả của doanh nghiệp này đến ngày 30/9/2024 là hơn 19.100 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức hơn 9.300 tỷ, tăng hơn 1.100 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn có phần thu hẹp hơn, nhưng mức độ chỉ khoảng vài trăm tỷ.
Điểm cần chú ý khác là quy mô người mua trả tiền trước ngắn hạn thu hẹp đáng kể, đến 30/9 chỉ còn ghi nhận hơn 1.300 tỷ đồng so với mức hơn 1.700 tỷ ở thời điểm cuối năm tài chính trước. Khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác đều tăng.
Sự lệch pha cũng thấy được từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi âm hơn 970 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2024-2025, âm thêm gần 240 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Sắp chia cổ tức bằng cổ phiếu
TTC AgriS mới đây thông qua nghị quyết về việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức niên độ 2022 - 2023 và niên độ 2023 - 2024.
Theo đó, TTC AgriS dự kiến phát hành hơn 74 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới phát hành. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ được hủy bỏ. Thời gian phát hành dự kiến trong quý I/2025.
Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ vào báo cáo tài chính bán niên 2023 - 2024 đã được kiểm toán của công ty.