Đổi mới tư duy về thể chế, quản lý nhà nước trong kỷ nguyên mới

22/12/2024 16:30

(Chinhphu.vn) - Cách thức thể chế được hình thành sẽ quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Thể chế bao trùm, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động kinh tế và chính trị, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân, khuyến khích đổi mới, sáng tạo sẽ tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Đổi mới tư duy về thể chế, quản lý nhà nước trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 1/12.

Xây dựng nền thể chế bao trùm là điều kiện cần, việc tạo dựng và vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả là điều kiện đủ để phát huy mọi giá trị của nền thể chế bao trùm, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tạo dựng nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất cần thiết đối với thực tiễn hiện nay của nước ta, đặt trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những thay đổi lớn, mang tính đột phá chưa từng có sẽ chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn cầu.

Thực tế, điều này đang được áp dụng ở những nền kinh tế hàng đầu, các quốc gia phát triển, ngay cả với Hoa Kỳ - nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Tổng thống Bill Clinton với kế hoạch "Tái tạo Chính phủ" đã giúp nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, đổi mới chiến lược phát triển, đưa kinh tế Mỹ khởi sắc nhất trong lịch sử hiện đại. Và nay, ngay khi tái đắc cử, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thành lập Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ tinh giản bộ máy chính phủ, xoá bỏ các cơ quan không cần thiết, tinh gọn lực lượng công chức liên bang, dự kiến giảm số lượng cơ quan chính phủ từ 428 xuống còn 99.

Đổi mới tư duy về thể chế, quản lý nhà nước trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Bích Lâm

Thực trạng bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam

Bước vào giai đoạn 2011 - 2016, Đảng và Nhà nước tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, đã cơ bản hoàn thiện thể chế, luật pháp; nỗ lực hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, từng bước tinh gọn cơ cấu, tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những kết quả này góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước trong những năm qua.

Tuy vậy, hạn chế về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối bên trong; việc phân cấp, phân quyền tuy chủ trương đã rõ nhưng thực hiện, triển khai ở nhiều cấp chưa hiệu quả, chưa đi vào cuộc sống. Đặc biệt, năng lực và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan nhà nước ở cả Trung ương và địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ.

Với những bất cập của bộ máy quản lý nhà nước, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Song với tinh thần trách nhiệm của Đảng đối với dân với nước, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ rõ: Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy hành chính cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống; một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức.

Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua "nhiều cửa" thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan, không thể chậm trễ hơn được nữa cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới tư duy về thể chế, quản lý nhà nước trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Đất nước Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Khát vọng, tư duy quản lý và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo

Thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần được triển khai tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đặc biệt cần gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có tài, có đức.

Không thể chậm trễ hơn được nữa, đã đến lúc cần khẩn trương chuyển đổi, xây dựng nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả, phù hợp với xu hướng quản trị mới, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, chúng ta cần khẩn trương bãi bỏ những quy định không còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung để tạo dựng nền thể chế bao trùm, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, sự tham gia rộng rãi của người dân và các thực thể vào hoạt động của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong dài hạn.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đổi mới, xây dựng nhà nước quản trị quốc gia hiệu quả có thể theo các tiêu chuẩn sau:

Một là, có hệ thống thể chế công bằng, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thích ứng kịp thời với những thay đổi của môi trường quản trị trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; tạo nền tảng đảm bảo hoạt động quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, có tính cạnh tranh cao.

Hệ thống thể chế phải đảm bảo quyền sở hữu; khả năng thực thi; trách nhiệm giải trình; tạo dựng bộ máy hành chính có chất lượng, khu vực công hoạt động hiệu quả; tạo dựng nền tảng để hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia số phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hai là, Chính phủ với vai trò vận hành hệ thống quản trị quốc gia có năng lực lãnh đạo và tầm nhìn xa trong thiết lập, thực thi, vận hành môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, cạnh tranh, với chi phí thấp nhất; với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; với chất lượng dịch vụ công tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Ba là, duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển đầy đủ các loại thị trường với quy mô lớn, cạnh tranh cao. Cùng với đó, vị thế, thương hiệu quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, củng cố, nâng cao quyền lực mềm quốc gia.

Thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ấm ho hạnh phúc hơn với thời điểm kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu đặt ra không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.

Trong đó, đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý nhà nước phải đi tiên phong. Kinh nghiệm và bài học thành công của các nước cho thấy, một đất nước có trở nên hùng cường hay không, phần lớn ảnh hưởng bởi khát vọng, tư duy quản lý và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Mọi đổi mới, cải cách phải bắt đầu từ người lãnh đạo có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám thay đổi và từ bỏ những thứ đã cũ, lạc hậu, cản trở sự phát triển, xóa bỏ tư tưởng giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong cả tư duy và hành động.

Sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã giúp thế giới rút ra được nhiều bài học vô giá, đó là bài học về nhân tố con người, về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Chính con người là nhân tố quan trọng để có thể vượt lên tất cả, mà hạt nhân là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Thực tế cho thấy, đất nước được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy xuyên suốt từ chủ trương, đường lối cho đến lãnh đạo, quản lý, điều hành với chiến lược đúng đắn, phù hợp với bối cảnh của thời đại, mà các quốc gia này đã tạo ra sự khác biệt với phần còn lại của thế giới.

Đất nước Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng ta đang thực hiện nhiều đổi mới mang tính cách mạng trên cơ sở kế thừa những nền tảng sẵn có, học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận có chọn lọc thành tựu từ các quốc gia đi trước, dám chấp nhận loại bỏ những thứ không còn phù hợp. Với sự chia sẻ, đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng tới thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước./.

Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê


Bạn đang đọc bài viết "Đổi mới tư duy về thể chế, quản lý nhà nước trong kỷ nguyên mới" tại chuyên mục Tin tức - Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).