TP.HCM: Người dân sống “lay lắt” giữa “đất vàng” KĐT An Phú - An Khánh

25/01/2021 16:20

Sau hơn 20 năm kể từ khi có quy hoạch và triển khai Dự án KĐT An phú – An Khánh (quận 2, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư, đến nay người dân tại đây vẫn phải sống “lay lắt” giữa “đất vàng”, bởi dự án bị đề xuất thay đổi quy hoạch nhiều lần.

 

Một phần Khu đô thị An Phú - An Khánh, Quận 2
Một phần Khu đô thị An Phú - An Khánh, Quận 2. (Ảnh: PV)

Dự án KĐT An phú – An Khánh (quận 2, TP.HCM) do Công ty TNHH Một Thành Viên Phát Triển và Kinh Doanh Nhà (nay chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà - HDTC) làm chủ đầu tư đã được triển khai từ những năm 1998. Nhưng đến nay, theo người dân tại đây, nhiều hạng mục công trình cơ bản như hạ tầng xã hội, công viên cây xanh,… vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, nguyên nhân chủ yếu là do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư nhiều lần đề xuất thay đổi quy hoạch, nâng diện tích dự án,… Chính những điều này đã khiến họ phải sống “lay lắt” từng ngày và mỗi độ Tết đến xuân về lại càng “khắc khoải” nhiều hơn về một cuộc sống cơ bản như những người dân nơi khác.

Người dân bức xúc…

Thời gian qua, nhiều người mong muốn được sinh sống tại khu vực Dự án KĐT An phú – An Khánh (quận 2, TP.HCM) do HDTC làm chủ đầu tư bởi, trong những năm trở lại đây, khi tốc đội đô thị hóa tăng “chóng mặt”, thì khu vực này được mệnh danh là “khu vực đất vàng của TP. HCM”. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống người dân ở đây lại càng ngày càng “ngược chiều” với sự “phi mã” của giá đất.

Bà Nguyễn Thị Tiết chia sẻ
Bà Nguyễn Thị Tiết chia sẻ, "Tôi uất ức, la khóc, cầu cứu... nhưng không ai đoái hoài đến đời sống của chúng tôi". (Ảnh: PV)

Bà Nguyễn Thị Tiết (68 tuổi) ngụ tại 771A, Tổ 44, Khu phố 5, phường An Phú, Quận 2, TP. HCM cho biết, bản thân bà sinh ra và lớn lên tại đây, nhưng từ khi có quy hoạch đến nay thì nhà bà chưa có một giấy tờ sở hữu nhà nào hết, toàn bộ đại gia đình nhà bà chỉ có được duy nhất 1 sổ hộ khẩu, khi các con bà có gia đình riêng đi xin tách hộ cũng không được, sửa sang lại nhà cửa hay làm nhà tạm cho con rồi xin hợp thức hóa cũng không được bởi “dính” quy hoạch. Đến nay, cả mấy gia đình nhà bà và gia đình những người con đều ghép chung một hộ khẩu.

“Nhà tôi tường thì nứt, gạch mục…người cao đi vào là đụng nóc nhà luôn, trời nóng nực không thể chịu nổi.Nhà xin hợp thức hóa thì trả lời là có quy hoạch không làm được. Tôi uất ức, la khóc, cầu cứu.. nhưng cũng không ai đoái hoài đến đời sống của chúng tôi. Nên tôi yêu cầu đừng lấy đất nữa, để cho người dân sống từ lúc cha sinh mẹ đẻ ở đây được yên ổn”, bà Tiết bức xúc.

Nhiều thế hệ trong gia đình nhà bà Tiết phải sống
Dù nhà đã xuống cấp nhiều năm nay nhưng gia đình bà Tiết không thể xây lại bởi "dính" quy hoạch. (Ảnh: PV)

Bà Trần Thị Tâm – Tổ 26 phường Bình An, Quận 2, TP.HCM cho biết, có gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan như: Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM, Quận 2, phường An Bình, … để giải quyết việc tranh chấp đường đi chung của nhà bà và những hộ phía sau nhưng, phường An Bình lại trả lời bà là chủ đầu tư dự án đã mua đường con đường này. “Cuối tháng 11 năm 2020, bên Công ty HDTC cho mấy chục người bảo vệ xuống cưỡng chế gia đình tôi mà không có bất cứ giấy tờ gì cả và thách thức gia đình tôi báo công an gọi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xuống giải quyết, ….Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà khi tôi gọi điện cho đại diện những đơn vị này thì lại không thấy có người xuống làm việc,… chồng tôi cũng là cựu chiến binh, đi lính bao nhiêu năm, phục vụ cho đất nước vậy mà cũng không được bảo vệ gì hết. Nguyện vọng của tôi là để gia đình tôi yên ổn ở khu này, tại sao người ta mua đất ở đây được, mà lại bắt chúng tôi đi chỗ khác?”, vừa chia sẻ bà Tâm vừa đưa tay gạt nước mắt.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hải (67 tuổi) thì cho biết: “Tôi đã mua đất ở đây từ rất lâu rồi, nhưng do đây là khu quy hoạch nên tôi không thể làm nhà để ở được, hơn 20 năm nay ở trong vùng quy hoạch, luôn thiệt thòi về nhiều thứ như an sinh xã hội, về mưu sinh, … đến bây giờ chúng tôi chỉ mong được định cư tại chỗ. Ngoài diện tích thu hồi vượt quá quy định thì những chỗ chưa thu hồi (diện tích đang sinh sống) thì cho chúng tôi được định cư tại chỗ trên diện tích đó”.

Ngày 01/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10057/VPCP-V.I gửi UBND TP.HCM, về việc khiếu nại tố cáo của bà Nguyễn Thị Tiết và một số hộ dân
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong tháng 2/2021 UBND TP.HCM phải có biện pháp giải quyết những khiếu nại của các hộ dân tại dự án Khu dân cư An Phú - An Khánh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Ảnh: PV)

Không đồng thuận với đề xuất thay đổi quy hoạch của HDTC

Theo nhiều người dân tại đây, họ không đồng tình với những đề xuất thay đổi quy hoạch tại dự án KDC An Phú – An Khánh của Công ty HDTC bởi, khi thay đổi quy hoạch sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề liên quan, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hiền (ngụ tại đường 8a, phường An Phú, Quận 2, TP. HCM) cho biết, gia đình bà không đồng tình với việc Công ty HDTC đề xuất hoán đổi công viên khu A thành thành 3 mảnh, 3 lô rời rạc nhau. Bởi, khi hoán đổi như thế thì chức năng của công viên nó không còn nữa. “Hiện nay chúng tôi đi tập thể dục ở khu A thì phải đi tận xuống khu C hơn 1km, việc hoán đổi như vậy ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Bây giờ đã thành lập TP Thủ Đức rồi thì việc quy hoạch nó phải đẹp hơn, phải tốt hơn thì mới xứng đáng với TP Thủ Đức, nên tôi không đồng ý là lấy công viên khu A để phân lô” bà Hiền cho biết thêm.

Ngày 21/01/2021, người dân đã gửi đơn lên UBND TP.HCM phản ánh về việc UBND quận 2 chậm xem xét, giải quyết đơn của các hộ dân liên quan dự án 131ha Khu đô thị mới An Phú - An Khánh
Do không đồng ý với thay đổi quy hoạch, ngày 21/01/2021, nhiều hộ dân đã tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan, ban ngành. (Ảnh: PV)

Còn ông Trần Hữu Tuấn (ngụ tại 72, đường số 7, Khu phố 5, phường An Phú, Quận 2, TP. HCM) cho biết, dự án KDC An Phú – An Khánh đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt theo quy hoạch, trong đó người dân được hưởng các tiện ích như: Trường học, công viên, …. hạ tầng cơ sở khác. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện chủ đầu tư đã làm sai rất nhiều như: Đất công viên thì phân lô bán nền; đất của trường mầm non thì lấy làm công viên; khu thương mại thì lại biến thành khu bệnh viện; nhà để chứa xe cho người dân gửi xe miễn phí bây giờ chủ đầu tư lại cho thuê mặt bằng để lấy tiền; Công viên là nơi không gian công cộng dùng cho hoạt động sinh hoạt cộng đồng thì nay cũng lại biến thành sân tenis cho người khác thuê; … .

theo ông trần hữu tuấn, nếu chấp nhận thay đổi quy hoạch do hdtc đề xuất sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống dân sinh tại khu vực
Theo ông Trần Hữu Tuấn, nếu chấp nhận thay đổi quy hoạch do HDTC đề xuất sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống dân sinh tại khu vực. (Ảnh: PV)

Ngoài ra, theo ông Tuấn, hiện tại cơ sở hạ tầng của dự án KDC An Phú – An Khánh (theo phê duyệt) như thoát nước và hệ thống ngầm chỉ phục vụ cho những ngôi nhà thiết kế dưới 20 tầng, nếu chấp thuận theo đề xuất điều chỉnh quy hoạch của HDTC thì sẽ có nhiều nhà 40 tầng mọc lên, đồng nghĩa với việc dân cư sẽ đông đúc hơn. Điều này sẽ làm quá tải về mọi mặt bởi, Hiện tại cơ sở hạ tầng đã quá tải, người dân gặp rất nhiều khó khăn, trẻ em thì không đủ trường học, sinh hoạt của người dân rất bất tiện khi công viên cây xanh không đáp ứng được.

Cảnh
Cảnh "nhếch nhác" ở một con hẻm tại Tổ 44, Khu phố 5, phường An Khánh, Quận 2. (Ảnh: PV)

Vừa rồi Quận 2 và Công ty HDTC xin ý kiến của dân để xin chuyển 1,7ha của công viên khu A thành khu đất thương mại (phân lô bán nền), và xin chuyển khu dân cư hiện hữu thành 3 công viên nhỏ (có 2 công viên là đã thành hình còn công viên còn lại thì không thấy đâu).

“Theo tôi được biết, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch nhưng không hiểu vì lý do gì mà thay đổi đến 4,5 lần. Để đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân cũng như tính khách quan, minh bạch khi thực hiện dự án, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh, kiểm tra, rà soát lại để người dân không bị thiệt thòi. Việc công ty HDTC xin tăng tầng các block nếu phê duyệt thì sẽ phá vỡ quy hoach hạ tầng của khu này.”, ông Tuấn cho biết thêm.

Như Thương hiệu và Công luận đã phản ánh, sau khi văn bản số 3013/UBND – QLĐ (ngày 18/8/2020) về việc “ý kiến cộng đồng cư dân có liên quan về nội dung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị An Phú – An Khánh, Quận 2” của UBND Quận 2 được niêm yết công khai, nhiều ý kiến phản đối của người dân lại tiếp tục diễn ra.

Cụ thể, ngày 25/10/2020, Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 5, phường An Phú, Quận 2, TP. HCM đã đưa ra nhiều ý kiến phản đối việc lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch 1/2000 Khu đô thị An Phú – An Khánh như: Ban điều hành thiếu trách nhiệm trong việc giám sát việc bỏ phiếu lấy ý kiến dẫn đến việc bỏ phiếu thiếu khách quan, trung thực.

Bên cạnh đó Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 5 cũng đặt nghi vấn khi UBND phường An Phú có hàng loạt động thái khó hiểu khiến người dân bức xúc như, đưa ra thông báo quá gấp gáp và người dân không nắm được nội dung điều chỉnh quy hoạch nên đã không tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến.

Nội dung của phiếu lấy ý kiến khó hiểu, không có ô “không đồng ý” mà chỉ có một ô “đồng ý” khiến cho người dân nhầm lẫn. Khu phố 5 đề nghị chỉ đặt một thùng phiếu tại văn phòng khu phố, xin lùi thời gian lấy ý kiến, thay đổi hình thức lấy ý kiến,…tuy nhiên những vấn đề trên UBND phường An Phú đều không đồng ý.

Ngoài ra, công tác kiểm phiếu cũng còn nhiều bất cập như biên bản kiểm phiếu không thể hiện số phiếu của mỗi thùng phiếu là bao nhiêu; thành viên kiểm phiếu chưa làm tròn trách nhiệm.

Từ những bất cập trên, các hội viên cựu chiến binh đề nghị thanh tra toàn bộ phiếu thăm dò lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị An Phú – An Khánh; UBND phường An Phú công bố danh sách cư dân đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu tại khu phố 5; Đề nghị huỷ kết quả kiểm phiếu thăm dò lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch KĐT An Phú – An Khánh ngày 3/10/2020.

Theo Chi hội cựu chiến binh khu phố 5, Công ty HĐTC là đơn vị kinh doanh bất động sản hạch toán đầy đủ theo cơ chế kinh tế thị trường chỉ được kinh doanh trên diện tích đất 72ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thu lợi nhuận và thực hiện nghĩa vụ kinh tế - xã hội với UBND TP.HCM.

Việc chiếm đất công viên cây xanh, đất công trình công cộng phúc lợi thuộc tài sản của cộng đồng dân cư và nhà nước để kinh doanh là vi phạm pháp luật.

Theo: Hoàng Dương – Nguyễn Tùng/https://thuonghieucongluan.com.vn

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM: Người dân sống “lay lắt” giữa “đất vàng” KĐT An Phú - An Khánh" tại chuyên mục Xã hội. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).