Theo đó, Sở Nội vụ là cơ quan Thường trực của BCĐ, tham mưu Trưởng ban quyết định thành lập Bộ phận giúp việc khi cần thiết, để thực hiện nhiệm vụ giúp việc BCĐ.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên BCĐ gồm Trưởng Ban BCĐ là Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy TP. Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ về hiệu quả hoạt động của BCĐ theo quy định; phụ trách chung, lãnh đạo, điều hành toàn diện các hoạt động của BCĐ; phân công nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo cho từng thành viên BCĐ; triệu tập, chủ trì và kết luận các cuộc họp định kỳ và đột xuất của BCĐ.
Đồng thời, chỉ đạo các nội dung công tác về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW và định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố. Các Phó Trưởng ban BCĐ - Phó Chủ tịch UBND thành phố: trực tiếp chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn, cụ thể:
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ làm Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ, chỉ đạo thực hiện sắp xếp: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ làm Phó Trưởng BCĐ, chỉ đạo thực hiện sắp xếp: Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; Hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ làm Phó Trưởng BCĐ, chỉ đạo thực hiện sắp xếp: chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Y tế; chuyển chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và chức năng, nhiệm vụ về tôn giáo từ Sở Nội vụ về Ban Dân tộc.
Các Phó BCĐ chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan theo lĩnh vực được giao phụ trách và quận, huyện được phân công để triển khai và thực hiện các nội dung sau:
Chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố, Thanh tra thành phố, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ trong việc xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong theo quy định.
Sở Tư pháp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, cơ quan thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; tổng hợp kết quả rà soát của sở, ngành, cơ quan, báo cáo UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn sở, ngành, địa phương về việc xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn sở, ngành, địa phương về việc chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất bố trí sắp xếp lại trụ sở làm việc của sở, ngành, cơ quan chuyên môn sau sắp xếp bảo đảm liên thông, đồng bộ, phù hợp, hoạt động hiệu quả.
Sở Nội vụ phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất sắp xếp, sáp nhập các tổ chức Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo đúng chủ trương, định hướng và chỉ đạo; chủ trì, hướng dẫn cơ quan, đơn vị và địa phương các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo các quy định hiện hành, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng trình tự, thủ tục; chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan của Bộ Nội vụ để kịp thời cập nhật chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
LS