Tiền quyên góp cho quân đội ở Ukraine đã giảm mạnh trong bối cảnh áp lực tài chính gia tăng và sự mệt mỏi vì chiến sự, với việc các tổ chức thiện nguyện lớn báo cáo mức giảm 20% trở lên vào năm 2024, Bloomberg đưa tin vào ngày 13/11.
Các tổ chức nổi tiếng như Come Back Alive và Serhiy Prytula Foundation đã chứng kiến mức đóng góp giảm khoảng 1/5 vào năm 2024, Bloomberg cho biết. Các nhóm khác hỗ trợ các lực lượng vũ trang của quốc gia Đông Âu báo cáo mức giảm thậm chí còn lớn hơn.
Vào năm 2024, Serhiy Prytula Foundation – tổ chức thiện nguyện do một nhân vật nổi tiếng người Ukraine tên Serhiy Prytula sáng lập và điều hành – đã huy động được 1,4 tỷ Hryvnia (34 triệu USD), một con số "không thấm vào đâu" so với ngân sách quân sự khổng lồ 50 tỷ USD của Ukraine.
Tuy nhiên, các khoản quyên góp tự nguyện từ các cá nhân và tổ chức vẫn là nguồn hỗ trợ hiệu quả, bổ sung cho các quỹ nhà nước trong bối cảnh năng lực quân sự của Ukraine phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài.
Số tiền do các tình nguyện viên quyên góp giúp trang trải các yêu cầu cá nhân của binh lính về mọi thứ, từ quần trang đến phương tiện di chuyển và máy bay không người lái (UAV/drone) trinh sát, lấp đầy khoảng trống nguồn cung nhanh hơn và không bị vướng thủ tục hành chính rườm rà.
Come Back Alive, một trong những tổ chức thiện nguyện lớn nhất của Ukraine, đã báo cáo mức giảm 15% trong năm nay, dựa trên báo cáo về việc nhận được các khoản quyên góp.
Trong khi đó, Reactive Post, một tổ chức phi chính phủ (NGO) khác, nói với Bloomberg rằng các khoản đóng góp mà họ thu hút được đã giảm hơn 40% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2023.
"Để quyên góp được số tiền tương tự, chúng tôi phải làm việc chăm chỉ gấp 3 lần so với những năm trước", ông Prytula chia sẻ với Bloomberg, viện dẫn những thách thức về kinh tế và những khó khăn do mất điện gây ra là những lý do có thể dẫn đến sự suy giảm.
"Mùa hè năm nay, trong thời gian mất điện, người ta phải đấu tranh tư tưởng giữa việc quyên góp hay để dành tiền mua máy phát điện", ông Prytula cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với Ukrainska Pravda, ông Taras Chmut, người đứng đầu Come Back Alive, đã bày tỏ lo ngại về các nỗ lực gây quỹ của năm 2024, nói rằng mọi thứ "đã không bắt đầu tốt như chúng tôi mong muốn".
Ông Chmut giải thích rằng khi ngày càng nhiều người Ukraine rời khỏi đất nước, thu nhập giảm và chi phí sinh hoạt tăng, thì các khoản quyên góp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Oleh Karpenko, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối tác tại Come Back Alive, cho biết rằng các mô hình quyên góp thay đổi tùy theo các sự kiện như pháo kích ở Ukraine, các cuộc không kích bằng UAV ở Nga, mất điện, diễn biến chiến trường và thành công hay thất bại của quân đội.
Trong khi hơn một nửa số người dân Ukraine cho biết họ vẫn tiếp tục quyên góp cho quân đội, thì hơn 1/3 cho biết họ đã cắt giảm các khoản quyên góp này của mình kể từ năm ngoái, theo một cuộc khảo sát vào tháng 8 của Quỹ Ilko Kucheriv có trụ sở tại Kiev và Trung tâm Razumkov.
Vào ngày 25/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố sáng kiến eSupport mới, vốn dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 1/12. Theo chương trình này, mỗi người dân Ukraine sẽ nhận được 1.000 Hryvnia (24 USD) tiền hỗ trợ, có thể được sử dụng cho các chi phí cụ thể.
Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Oleksii Soboliev đã làm rõ rằng các khoản tiền này có thể được chuyển hướng cho quân đội thông qua các khoản quyên góp, ngay cả khi bản thân viện trợ nước ngoài không thể được phân bổ trực tiếp cho mục đích quân sự, hãng New Voice of Ukraine đưa tin.
Minh Đức (Theo Kyiv Independent, Bloomberg)