Thăng trầm bức tranh lợi nhuận ngành dệt may

25/02/2025 13:00

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột leo thang, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

Tìm lợi thế trong thách thức

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023; nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Các thị trường nhập khẩu truyền thống đều tăng, trong đó, tăng cao nhất là Hoa Kỳ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023; Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - UPCoM: VGT) khép lại năm 2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng khi mang về hơn 17.361 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,4% so với năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế đạt 685 tỷ đồng, tăng mạnh 73,4% so với thực hiện năm trước.

Riêng quý IV/2024, Vinatex thu về 4.819 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 278,6 tỷ đồng, tăng 40,7% so với quý IV/2023.

Vinatex cho biết lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 tăng so với cùng kỳ chủ yếu do sự phục hồi tốt của thị trường. Ngành may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar.

Ngành sợi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, song các đơn vị sợi luôn bám sát thị trường, công tác dự báo nhanh nhạy, nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt. Cùng với đó là việc linh hoạt trong lựa chọn cơ cấu mặt hàng và quản trị sản xuất chặt chẽ nên hiệu quả toàn ngành tăng cao so với cùng kỳ.

Đặc biệt, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của May Nhà Bè – CTCP (UPCoM: MNB) khi ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.650 tỷ đồng, tăng hơn 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 128 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Thăng trầm bức tranh lợi nhuận ngành dệt may- Ảnh 1.

Ngành may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng.

Cùng với đó, hàng loạt những tên tuổi khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, trên 50% trong năm 2025. Cụ thể, Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) đạt mức lợi nhuận sau thuế lên tới 278 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2023. May Việt Tiến (UPCoM: VGG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 362 tỷ đồng, tăng 90%. Lợi nhuận Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng tăng mạnh 42% so với 2023 lên mức mức 316 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn có những doanh nghiệp ngành dệt may tiếp tục chìm trong thua lỗ. Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - UPCoM: FTM) lỗ hơn 127 tỷ đồng trong năm 2024, kéo dài chuỗi thua lỗ liên tục sang năm thứ 6 liên tục.

Tương tự, Dệt May Nam Định (UPCoM: NDT) và Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM) cũng chứng kiến 2 năm thua lỗ liên tục với mức lợi nhuận sau thuế lần lượt âm 89 tỷ đồng và âm 79 tỷ đồng.

Năm 2024 cũng đánh dấu năm thua lỗ đầu tiên của Công ty cổ phần Everpia (HOSE: EVE) từ khi lên sàn đến nay. Cụ thể, doanh thu công ty đạt 741 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2023, khoản lỗ là hơn 30,4 tỷ đồng.

Mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD

Theo Báo cáo Triển vọng ngành Dệt may 2025 của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đơn vị kỳ vọng số lượng đơn hàng trong năm 2025 sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu dệt may trọng điểm của Việt Nam phục hồi nhẹ.

Hàng tồn kho của các nhà bán lẻ thời trang lớn trên thế giới vào cuối năm 2024 đang ở mức hợp lý, dự địa bổ sung hàng tồn kho trong tương lai vẫn còn. Đồng thời là xu hướng dài hạn chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Với chính sách thuế mới của tổng thống Donald Trump, KBSV nhận định rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ bị tác động 2 chiều. Tác động tích cực đó là Việt Nam có khả năng giành thêm được đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nhờ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác. Tác động tiêu cực là giá bán xuất khẩu hàng dệt may có khả năng giảm bởi mức thuế xuất khẩu sang Mỹ tăng.

Dệt may Huế: Cổ phiếu "trà đá" đổi đời nhờ chi trả cổ tức khủngSản xuất hồi phục, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng tích cực

Tại buổi họp báo lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Vitas, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cũng cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp,… nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.

“Dự báo trong năm 2025, tình hình chung cũng không có gì quan ngại, ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm này”, ông Giang thông tin.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025, Chủ tịch VITAS đưa ra những cơ sở chính, bao gồm những cơ hội từ quá trình chuyển dịch đơn hàng vào Việt Nam trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu không tăng.

Đặc biệt, chiến lược phát triển ngành dệt may của Chính phủ đặt ra với quyết tâm đưa Thương hiệu Dệt may Việt Nam ra thế giới, điều này đang là động lực lớn nhất thúc đẩy tầm nhìn của ngành dệt may năm 2025 - 2030 phát triển vượt bậc kể cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Bạn đang đọc bài viết "Thăng trầm bức tranh lợi nhuận ngành dệt may" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).