Đề cử người của KBFG vào HĐQT
Trong kỳ đại hội này, công ty sẽ trình cổ đông việc bầu bổ sung Thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2024 – 2025 theo đề cử của cổ đông lớn KBS đối với ông Park Chunsoo, quốc tịch Hàn Quốc.
Theo thông tin từ Chứng khoán KB Việt Nam, ông Park Chunsoo sinh năm 1969. Ông có trình độ Cử nhân Kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul. Giai đoạn 1998 – 2008, ông làm Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KB Kookmin Bank, giai đoạn 2009 – 2023, ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc tại KBS Co.,Ltd.
Cả hai doanh nghiệp ông Park Chunsoo từng tham gia trên đều thuộc Tập đoàn Tài chính KB (KBFG). Tập đoàn Tài chính KB được biết đến là tổ chức tài chính lớn tại Hàn Quốc, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Tới quý III/2024, tổng tài sản của KBFG ở mức hơn 745.000 tỷ Won (tương đương trên 500 tỷ USD).
Tập đoàn KBFG xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10/2017, khi Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc đã chi hơn 700 tỷ đồng để nắm giữ 29,82 triệu cổ phần, tương đương 99,4% vốn doanh nghiệp của Chứng khoán KB Việt Nam.
Công ty TNHH Chứng khoán KB Hàn Quốc là đơn vị thành viên trực thuộc 100% vốn của Tập đoàn Tài chính KB.
Trước khi có sự xuất hiện của Chứng khoán KB Hàn Quốc, thì Chứng khoán KB Việt Nam có tên là CTCP Chứng khoán Standard, được thành lập vào ngày 11/6/2008 với vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Tới tháng 8/2015, công ty đổi tên thành CTCP chứng khoán Maritime (MSI).
Ngay sau khi Chứng khoán KB Hàn Quốc thực hiện mua vào, MSI chính thức đổi tên thành CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) như hiện tại.
Sau một thập kỷ hoạt động, phải đến năm 2018 khi có sự xuất hiện của Chứng khoán KB Hàn Quốc, thì Chứng khoán KB Việt Nam mới lần đầu tăng vốn điều lệ lên hơn 1.107 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, doanh nghiệp này cũng tham gia vào cuộc đua tăng vốn, nâng vốn điều lệ lên hơn 3.000 tỷ đồng và duy trì đến hiện tại.
Kinh doanh thăng trầm
Về bức tranh kinh doanh, trong 10 năm đầu hoạt động, Chứng khoán KB Việt Nam liên tiếp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận thăng trầm.
Đơn cử như năm 2011, doanh thu của Chứng khoán KB Việt Nam tăng vọt từ gần 12 tỷ đồng lên gần 200 tỷ đồng, tương ứng gấp 17 lần; lợi nhuận cũng tăng gấp 20 lần lên 20,7 tỷ đồng.
Song ngay năm sau là 2009, doanh thu của công ty lại giảm sâu xuống 8,7 tỷ đồng, lợi nhuận cũng lao dốc xuống vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng.
Kể từ năm 2011 – 2017, Chứng khoán KB Việt Nam duy trì doanh thu trên 100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trung bình khoảng 25 tỷ đồng/năm.
Cho đến năm 2018, khi có sự xuất hiện của Chứng khoán KB Hàn Quốc thì tình hình kinh doanh của KBVS có nhiều bước tiến.
Luỹ kế năm 2018, Chứng khoán KB Việt Nam ghi nhận doanh thu hoạt động gần 270 tỷ đồng, gấp đôi lần so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp đôi lên 39 tỷ đồng.
Trong đó, lãi từ cho vay margin và doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh phát hành là hai nhân tố chủ đạo. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi lãi từ khoản đầu tư tới ngày đáo hạn tăng 2,7 lần so với năm trước, đạt hơn 78,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản của công ty cũng tăng mạnh từ gần 700 tỷ đồng đầu năm lên hơn 2.236 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018. Trong đó chủ yếu là các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ, các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn và các khoản cho vay.
Giai đoạn tiếp theo, Chứng khoán KB Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng trưởng trung bình 28%/năm. Nổi bật là năm 2022 lần đầu doanh thu của công ty đạt mốc 1.000 tỷ đồng.
Do chi phí hoạt động margin tăng cộng thêm lãi suất vay ngân hàng tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tăng trung bình khoảng 10%.

Do chi phí hoạt động margin tăng cộng thêm lãi suất vay ngân hàng tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ tăng trung bình khoảng 10%.
Trong đó có năm 2022 và 2024 báo lãi đi lùi do hoạt động tự doanh kém hiệu quả. Gần nhất trong năm 2024, lãi từ các tài sản chính thông qua lãi/lỗ của Chứng khoán KB Việt Nam giảm tới 65% xuống 79,6 tỷ đồng. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng giảm 39% xuống 127 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận Chứng khoán KB Việt Nam giảm gần 15% xuống 208,3 tỷ đồng.
Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, tổng tài sản của Chứng khoán KB Việt Nam trong năm 2024 cũng giảm tới 3.504 tỷ đồng so với đầu năm xuống 8.490,6 tỷ đồng.
Phần sụt giảm chủ yếu do tài sản chính thông qua lãi/lỗ giá gốc chỉ còn 417,5 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm là 3.385 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi giảm 2.985 tỷ đồng so với đầu năm xuống 400 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của công ty cũng giảm hơn 1.00 tỷ đồng xuống 2.125 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2024.
Trong quá trình hoạt động, Chứng khoán KB Việt Nam cũng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể, ngày 11/5/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Chứng khoán KB Việt Nam với số tiền 125 triệu đồng. Nguyên nhân do doanh nghiệp này đã cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.
Đến ngày 30/10/2019, UBCKNN tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chứng khoán KB Việt Nam với số tiền 60 triệu đồng do công ty báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 đã được soát xét.
Bên cạnh đó, Chứng khoán KB Việt Nam cũng bị xử phạt liên quan đến lĩnh vực thuế. Cụ thể, thời điểm tháng 12/2019, KBSV đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính vì kê khai doanh thu chưa đúng quy định về thuế giá trị gia tăng.
Còn về thuế thu nhập doanh nghiệp, Chứng khoán KB Việt Nam hạch toán chi phí trích lập nợ khó đòi chưa đúng quy định, hạch toán chi phí lãi vay chưa đúng quy định.
Với những hành vi trên, Chứng khoán KB Việt Nam bị phạt tiền gần 236 triệu đồng theo mức 20% trên tổng số tiền thuế kê khai sai; phạt 6 triệu đồng vì lập hóa đơn không đúng thời điểm. Tổng số tiền bị phạt gần 242 triệu đồng.
Ngoài ra, Chứng khoán KB Việt Nam còn phải khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu là 1,17 tỷ đồng cho năm 2017 và 2018; tiền chậm nộp thuế cho thu nhập doanh nghiệp là 86 triệu đồng. Như vậy, tổng mức phạt và khắc phục mà KBSV phải nộp là hơn 1,4 tỷ đồng.
Chứng khoán KB Việt Nam cũng từng vi phạm về quản lý vay, trả nợ nước ngoài. Cụ thể, trong hau ngày 30-31/3/2022, KBSV đã bị Cục thanh tra, giám sát ngân hàng I và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội ra 2 quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi: "Không chấp hành các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài" theo quy định tại Nghị định 219; "Trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài không đúng quy định của pháp luật" theo quy định tại Thông tư 03; "Gửi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật" theo quy định tại Thông tư 03; "Vi phạm về sử dụng tài khoản tại Việt Nam để thực hiện vay, trả nợ nước ngoài".
Với các hành vi trên, Chứng khoán KB Việt Nam bị phạt hành chính với tổng số tiền lên tới 450 triệu đồng.
Chưa dừng lại, Chứng khoán KB Việt Nam cũng từng vi phạm giao dịch ký quỹ. Theo đó, ngày 21/09/2022, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 706 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với công ty do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ. Số tiền KBSV bị phạt là 125 triệu đồng.
Nguyên nhân do từ ngày 10/6 - 4/7/2022, KBSV đã thực hiện cho vay giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu của CTCP Địa ốc First Real (FIR) không nằm trong danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ từ ngày 10/6/2022 do Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) công bố.