Ngày 10/7/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành tư pháp, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác tại các bộ, ngành, địa phương và hiến kế cho Bộ Tư pháp trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường quản lý nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
Nhiều đổi mới trong công tác tư pháp
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.
Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ được lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Bộ Tư pháp đã ban hành 11 quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ; công bố công khai đối với 154 TTHC thuộc các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch.
Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được ngành tư pháp chú trọng triển khai thực hiện, trọng tâm là các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Đã thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, được người dân đón nhận tích cực.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, số sổ hộ tịch đã được số hóa là hơn 2,52 triệu sổ với hơn 60 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở Dữ liệu hộ tịch điện tử là trên 50 triệu dữ liệu.
Đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong nhiệm vụ số hóa, 30 tỉnh, thành phố dự kiến hoàn thành nhiệm vụ trong nửa đầu quý III năm 2024. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, ở một số địa phương nhiều khả năng tiến độ số hóa không được bảo đảm theo quy định do một số nguyên nhân như: Nhận thức chưa chính xác, đầy đủ về nhiệm vụ số hóa; chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng; nhiều sổ hộ tịch bị thiếu trường thông tin, hoặc thông tin đồng bộ không chính xác...
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), 9 tháng năm 2024 (tính từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/6/2024), Hệ thống thi hành án đã thi hành xong gần 404.000 việc, đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỷ, đạt tỉ lệ 27,6%.
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 2.117 việc, với số tiền trên 11.387 tỷ đồng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho biết, ngoài kết quả về THADS, các cơ quan THADS còn thi hành xong 400 việc thi hành án hành chính (THAHC), tăng 184 việc so với cùng kỳ năm 2023.
Xây dựng thể chế là trọng tâm ưu tiên trong công tác chỉ đạo, điều hành
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ những ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo sơ kết.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới 6 tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc Bộ, ngành tư pháp đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung, dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế, xác định đây là trọng tâm ưu tiên trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 VBQPPL trong 6 tháng đầu năm. Kết quả này có vai trò tham mưu của các bộ, ngành liên quan, có vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp, góp ý của các cơ quan liên quan, việc xem xét, thông qua của Chính phủ. Quốc hội. Đặc biệt là việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản số, Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành các quy định hướng dẫn.
Trong đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. "Đây là một cố gắng rất lớn", Phó Thủ tướng nói. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác THADS, mặc dù có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng kết quả THADS đều vượt so với cùng kỳ.
Việc triển khai Đề án 06, ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID, số hóa các văn bản tiếp tục được quan tâm thực hiện, đạt được kết quả cụ thể, ví dụ như việc nhân rộng mô hình thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp trên cả 3 bình diện toàn cầu, khu vực và song phương ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.
Theo Phó Thủ tướng, ngành tư pháp đã có đóng góp thiết thực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, vào tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Lấy một ví dụ cụ thể về đóng góp này, Phó Thủ tướng đề cập đến Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519 km, một dự án như này bình thường phải mất đến 3 năm, nhưng nay chỉ trong 6 tháng đã gần về đích. Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực, đóng góp của cán bộ pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp trong việc tham mưu sửa ngay một số điều của Nghị định 156 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp) để xử lý một việc là làm sao mở đường tạm xuyên qua rừng để đưa nguyên vật liệu, nhân lực vào thi công dự án. Nếu chờ sửa tổng thể Nghị định 156 thì sẽ mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 còn một số tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành địa phương chưa chủ động trong việc tham mưu, đôn đốc, xử lý văn bản có vướng mắc, bất cập; công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa các giữa các bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thực sự hiệu quả…
Triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả các luật mới ban hành
Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Bộ Tư pháp rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, tập trung nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp; quán triệt, triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên mới ban hành; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị quán triệt các luật, nghị quyết được ban hành.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên thường trực Ban Chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về rà soát, xử lý VBQPPL; chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thu hút, huy động sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong công tác thi hành án dân sự, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị toàn hệ thống THADS tiếp tục cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra; chủ động trong xử lý công việc trong thẩm quyền được giao; tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cấp ủy đảng với các bộ, ngành, địa phương khi giải quyết vụ việc cụ thể, phức tạp; có giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.
Về phía các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành chủ động bám sát chương trình công tác, lưu ý thời hạn thực hiện nhiệm vụ và tham gia có trách nhiệm vào hoạt động của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, xử lý văn bản QPPL. Văn phòng Chính phủ cần tham mưu, theo dõi sát các văn bản lấy ý kiến của Chính phủ, thành viên Chính phủ và rà soát chỉnh lý cho phù hợp.
Về phía cơ quan tư pháp địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị phải bám sát chương trình công tác, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo chuyên môn của bộ, ngành; cần tập trung hơn vào công tác góp ý cho chùm nghị định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm khả thi, tránh sai sót. Phó Thủ tướng cũng lưu ý chú trọng công tác số hoá giấy tờ trong lĩnh vực tư pháp; chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương bố trí thêm kinh phí và đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả của tổ chức thanh tra.
Phó Thủ tướng mong muốn toàn ngành tư pháp tiếp tục chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đức Tuân