Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mặt hàng cua sống dịp Tết Nguyên đán

24/01/2025 16:12

Thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu thị trường đối với Cua Cà Mau - một trong những mặt hàng thuỷ hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tỷ dân Trung Quốc tăng đột biến. Vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc luôn là “điểm nóng” quan tâm hàng đầu đối với mặt hàng này.

Những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các cơ quan liên quan đã nỗ lực đưa mặt hàng này vào nề nếp, chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch thay vì tiểu ngạch như trước đây. Cũng vì thế, giá trị Cua Cà Mau ngày càng được nâng cao, thu nhập của người nông dân và thương lái được cải thiện đáng kể. 

Cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm định cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông lâm thuỷ sản đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, công tác quản lý an toàn về sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc được chú trọng nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mặt hàng cua sống dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1

Hiện Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp lớn được cấp code (mã) xuất khẩu cua sống sang thị trường Trung Quốc với sản lượng đạt từ 40 đến hơn 100 tấn/ngày, tuỳ từng thời điểm.

Theo chia sẻ của một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, để được cấp code xuất khẩu, doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định khắt khe về cơ sở vật chất, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... và phải được các cơ quan chức năng Việt Nam, cũng như Trung Quốc thẩm định, phê duyệt. Thời gian thẩm định, phê duyệt cấp code cũng tương đối lâu vì vậy code được xem là “bảo vật” của các doanh nghiệp xuất khẩu cua.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mặt hàng cua sống dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2

Vị này cũng cho biết, không phải cấp code là xong mà công tác hậu kiểm hiện nay được thực hiện rất nghiêm. Tất cả đều phải đưa về xưởng, thực hiện quy trình đóng gói và gửi mẫu kiểm nghiệm theo quy định.

Đảm bảo cua xuất đi phải đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng về công tác vận chuyển, vị trí đặt nhà xưởng sản xuất để đáp ứng yêu cầu về thời gian. Nếu nhà xưởng nằm lệch tuyến, thì rất khó để đảm bảo được yêu cầu về thời gian. Nếu bỏ sót quy trình, không đảm bảo điều kiện sẽ bị xử lý ngay. Đặc biệt trong giai đoạn Tết Nguyên đán, lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến, áp lực về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng sẽ rất lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hồng Phong (Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, quan điểm của Cục là xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định của cơ quan chức năng.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mặt hàng cua sống dịp Tết Nguyên đán" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).