Tham dự Tọa đàm có: Ông Nguyễn Sơn Tùng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng); ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam; TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); TS. Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam; ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam; ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group; bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EximRS; ông Trương Công Hoài Nhơn - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Quản lý Tài sản Taisei Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Sơn Tùng cho biết: Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, căn hộ chung cư tại Hà Nội liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong nhiều năm gần đây. Tính đến quý I/2024, giá chung cư mới đã đạt trung bình 59 triệu đồng/m2, tăng 21 quý liên tiếp. Giá bán tại thị trường thứ cấp của chung cư Hà Nội quý I ghi nhận mức tăng giá theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trung bình hơn 36 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ: Các giao dịch về giá đã tiếp tục tăng trưởng bình quân 5%, các sản phẩm có giá 3 tỷ đồng trở xuống được nhiều người săn đón. Sản phẩm được người dân quan tâm nhiều nhất là căn hộ và đất nền; giá và mức giao dịch ở khu vực đông dân cư và khu công nghiệp tăng mạnh khoảng 20%.
Phân khúc bất động sản thổ cư cũng nhộn nhịp hơn, giá giao dịch nhà ở khoảng 3-5 tỷ đồng được quan tâm nhiều, khách hàng tập trung nhiều. Phân khúc bất động sản công nghiệp cũng bắt đầu nhộn nhịp, tuy nhiên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chưa có sự tăng trưởng.
Trao đổi tại Toạ đàm, TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia tài chính, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định: Từ trước đến nay chúng ta thường sử dụng bất động sản chỉ để ở, như vậy sẽ không tạo ra dòng tiền. Hiện nay, kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn là cho thuê bất động sản, đặc biệt cho người nước ngoài thuê với giá cao rồi đi thuê nơi khác để ở.
Đối với khái niệm nhà ở dòng tiền, đầu tiên phải có người sở hữu, không sử dụng mà khai thác bằng cách cho thuê, tạo ra một nguồn thu nhập. Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi nó lên giá và bán, bán trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người để lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản.
Dạng thứ hai cần phát triển là sở hữu bất động sản và cho thuê. Phân khúc đi thuê và cho thuê lại, không quan tâm sự thanh khoản, mà tạo ra dòng tiền liên tục, và dòng tiền càng lớn càng tốt.
Tôi cho rằng, Cash-home đã tồn tại và sẽ phát triển, tới đây không chỉ là phân khúc bất động sản văn phòng, phân khúc bất động sản công nghiệp, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mà sẽ là phân khúc các căn hộ cho thuê.
TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho hay: Từ trước đến nay, loại hình căn hộ chung cư người dân sử dụng với mục đích chủ yếu để ở, chỉ có khoảng 15% là để kinh doanh và cho thuê. Chúng ta phải đứng ở góc độ đầu tư để nhìn nhận rằng, ở nước ngoài loại hình căn hộ chung cư cho thuê rất phổ biến nhằm tạo ra dòng tiền.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao thời gian vừa qua loại hình căn hộ chung cư lại tăng giá cao nhất trong 20 năm trở lại đây? Điều đó chứng tỏ hành vi của người mua đã thay đổi. Bởi hiện nay, chúng ta cần một căn hộ để ở, để kinh doanh, để tạo ra dòng tiền. Với các nhà đầu tư thông minh, có thể dễ dàng tính toán được bỏ ra tiền cho thuê sẽ tạo ra dòng tiền. Cùng với đó, thời hạn sở hữu căn hộ đã có sự thay đổi theo Luật Nhà ở 2023 sẽ có lợi cho người mua nhà.
Chúng ta có thể thấy, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà đã thay đổi. Trước đây, người ta thường sợ chung cư, bởi nhiều lý do như: Pháp lý, sổ đỏ hay vấn đề phòng cháy chữa cháy…Nhưng hiện nay, văn hóa của người tiêu dùng cũng thay đổi, bởi tính tiện ích, vị trí thuận lợi của các căn hộ chung cư. Đây là phân khúc mới, rơi vào thời điểm phù hợp, đặc biệt là hành vi của người mua nhà thay đổi nên phân khúc này trở nên hấp dẫn.
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản EximRS, đơn vị đang phát triển dự án phát triển sản phẩm căn hộ có thời gian sở hữu 50 năm tại Hà Đông cho biết, thực tế khi đưa ra dòng sản phẩm cash home, EximRS đã nghiên cứu về đối tượng thuê, đối tượng khách hàng có mong muốn đầu tư căn hộ để cho thuê. Mặt khác, đối với các dự án này, yếu tố quan trọng là phải có đơn vị quản lý để thay các nhà đầu tư quản lý tài sản và đưa về nguồn thu, dòng tiền ổn định hàng tháng.
Chúng ta thấy trong quý I/2024 ghi nhận lượng giao dịch tại Hà Nội tăng rất nhiều, bất cứ sản phẩm nào ra thị trường thì được hấp thụ cao. Bởi vì mấy năm vừa qua, thị trường bất động sản đã bị khan hiếm nguồn cung. Chúng ta có quyền kỳ vọng thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ khả quan hơn với nhiều chính sách của Nhà nước.