Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm hoàn tất chuyển giao ngân hàng yếu kém

08/01/2025 00:08

Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém.

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là sớm hoàn tất việc chuyển giao các ngân hàng yếu kém, nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh và hiệu quả. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng mở rộng hạn mức tín dụng, triển khai các biện pháp ổn định giá vàng và tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Sớm hoàn tất chuyển giao ngân hàng yếu kém

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cơ quan này đang trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank). 

Trước đó, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém, gồm CBBank và OceanBank (nay đã đổi tên thành MVB), cho hai ngân hàng lớn là Vietcombank và MB.

“Nếu được Chính phủ thông qua, Ngân hàng Nhà nước mong muốn hoàn tất quá trình chuyển giao trước Tết Âm lịch, hoàn thành kế hoạch xử lý 4 ngân hàng yếu kém theo đúng lộ trình đã đề ra,” ông Tú nhấn mạnh.

Riêng đối với Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo ổn định hoạt động, đặc biệt là ổn định đảm bảo tiền gửi và tiết kiệm của người dân. Đồng thời, xử lý những tồn tại, yếu kém; phối hợp cùng các cơ quan chức năng đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp luật để xử lý những sai phạm của các cá nhân gây ra những thiệt hại cho ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực cho SCB để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về tổng thể, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đang đạt nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các tổ chức tín dụng hiện nay đều hoạt động hiệu quả, với lợi nhuận cao hơn so với năm 2023. Các ngân hàng vẫn duy trì mức lợi nhuận hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, nợ xấu đang có xu hướng tăng. Nguyên nhân chính đến từ việc nhiều doanh nghiệp chưa thể hoàn trả các khoản nợ đã được giãn hoặc hoãn trong giai đoạn chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 kéo dài đến nay.

Đáng chú ý, hầu hết các tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và tiến tới đạt chuẩn Basel III trong công tác quản trị. Ngay cả các ngân hàng có quy mô trung bình cũng đã chú trọng cải thiện năng lực quản lý rủi ro và nâng cao tiêu chuẩn vận hành.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ và hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.” Mục tiêu của đề án là phát triển một hệ thống ngân hàng hoạt động minh bạch, lành mạnh và hiệu quả, tuân thủ các quy định pháp luật và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tín dụng và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Sẵn sàng mở thêm hạn mức tín dụng

Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2025 vào khoảng 16%, ông Đào Minh Tú lưu ý rằng đây không phải là con số cứng nhắc mà mang tính định hướng, cho phép linh hoạt trong điều hành: "Tăng trưởng tín dụng có thể dao động từ 15%, 17%, thậm chí 18%..., miễn là đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền đồng và tỷ giá".

Ông cũng khẳng định, điều cốt yếu là phân bổ tín dụng phải tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, tránh tăng trưởng tín dụng nóng, nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng mở thêm room nếu khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Theo Phó Thống đốc, năm 2025 là giai đoạn then chốt để hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8%, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn tín dụng, vốn từ ngân sách và vốn đầu tư xã hội. Phó Thống đốc nhấn mạnh, để giảm áp lực lên hệ thống tín dụng, cần có sự hỗ trợ từ các kênh huy động vốn khác như thị trường trái phiếu, chứng khoán, đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tính đến hết năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 15,08%. Tổng doanh số cho vay trong năm đạt 23 triệu tỷ đồng, thu nợ khoảng 21 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cuối năm 2024 đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 2,1 triệu tỷ đồng so với mức 13,5 triệu tỷ đồng của năm 2023.

Liên quan đến lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, dù một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát. Điều này không gây bất lợi cho chính sách tiền tệ, do đó, Ngân hàng Nhà nước chưa cần áp dụng các biện pháp can thiệp để kiểm soát tình trạng lãi suất tăng quá mức, tránh nguy cơ mất cân bằng hệ thống. Thực tế, việc điều chỉnh tăng lãi suất của một số ngân hàng không tạo ra sự chênh lệch lớn và không dẫn đến tình trạng dòng tiền gửi chuyển dịch mạnh giữa các ngân hàng hay chảy sang các kênh đầu tư khác.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2024, lãi suất huy động bình quân tăng 0,73%/năm so với cuối năm 2023, trong khi lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng "Big4" ghi nhận mức giảm lãi suất cho vay trung bình gần 1%/năm. Nhờ việc giữ ổn định lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát ở mức 3,63% và tăng trưởng GDP 7,09% trong năm 2024.

Về hiện tượng một số ngân hàng áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho khách hàng đặc biệt hoặc có sự khác biệt về lãi suất giữa các chi nhánh, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh về nguyên tắc, lãi suất huy động do cung - cầu thị trường quyết định. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình nội bộ chặt chẽ trong việc huy động vốn và sẽ tiến hành rà soát để đảm bảo tuân thủ các quy định này.

Ổn định thị trường vàng là nhiệm vụ cấp thiết 

Chú thích ảnh Chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá thế giới đã thu hẹp còn 3 - 4 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Việc ổn định thị trường vàng là một nhiệm vụ cấp thiết và cần hành động ngay". Nhìn lại năm 2024, ông Tú cho rằng biến động giá vàng thế giới có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam, nhưng mức độ tác động đã giảm đáng kể so với những năm trước. Mục tiêu kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ hợp lý đã đạt được.

Cụ thể, chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá thế giới từng có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, nhưng hiện nay đã thu hẹp còn 3 - 4 triệu đồng/lượng. Để tiếp tục đảm bảo quyền lợi của người dân, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng.

Đánh giá về những diễn biến trên thị trường ngoại hối, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tỷ giá VND/USD chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như độ mở của nền kinh tế, dòng vốn FDI, hoạt động xuất nhập khẩu và các chính sách tài chính từ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. 

Theo Phó Thống đốc, tỷ giá biến động chủ yếu dựa trên cung cầu thị trường nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo cân đối nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Chính sách tỷ giá này giúp giảm thiểu lo ngại đầu cơ, găm giữ ngoại tệ từ phía các nhà đầu tư.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, bổ sung rằng trong nửa đầu năm 2024, thị trường ngoại tệ Việt Nam đã trải qua những biến động đáng kể, nhưng sau đó nhanh chóng ổn định. Tuy nhiên, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng USD - tăng mạnh, có thời điểm vượt mốc 108 điểm – mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua. Tính riêng năm 2024, giá trị đồng USD đã tăng 7,6%, gây áp lực lớn lên các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng tiền nội tệ của các nền kinh tế mới nổi.

Tại Việt Nam, thị trường ngoại hối chịu nhiều áp lực do dòng vốn ngoại rút ròng. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2024. Đồng thời, nhu cầu ngoại tệ để trả nợ nước ngoài và thanh toán các khoản trái phiếu chính phủ đến hạn của Kho bạc Nhà nước lên tới 5,1 tỷ USD, khiến thị trường thêm căng thẳng vào cuối năm.

Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD nhằm giảm động cơ đầu cơ ngoại tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Kho bạc Nhà nước để điều tiết lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và phát hành trái phiếu chính phủ, giúp ổn định lãi suất trên thị trường.

Thông qua sự điều hành linh hoạt này, tỷ giá VND/USD tính đến hết năm 2024 ghi nhận mức mất giá khoảng 5,03%, thấp hơn đáng kể so với mức trên 10% của nhiều đồng tiền khác như đồng yen (Nhật Bản), đồng won (Hàn Quốc)... Ông Phạm Chí Quang khẳng định, đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh quốc tế phức tạp.

Ngoài ra, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã có 84,7 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học. Những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong thanh toán. Nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua đã ứng dụng dữ liệu dân cư của Bộ Công an, kết hợp với các chương trình của ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm hoàn tất chuyển giao ngân hàng yếu kém" tại chuyên mục Tài chính - Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).