So với những năm trước, giá lươn thương phẩm trong năm 2024 khá ổn định (từ 115.000-125.000 đồng/kg) giúp nông dân lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Là một trong những hộ nuôi lươn không bùn đầu tiên của xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) bà Võ Thị Trang (72 tuổi) cho biết: Gia đình nuôi tổng số 15 bể lươn với số lượng lươn thu hoạch mỗi năm từ 12 tấn. Riêng trong năm 2024 số lượng lươn thịt đã bán đến nay hơn 10 tấn và còn khoảng 2 tấn lươn chuẩn bị thu hoạch bán vào những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025.
Theo bà Trang, so với nhiều năm trước giá lươn thịt thấp hơn, tuy nhiên so với năm 2022 và 2023, giá lươn tăng hơn từ 30.000-40.000 đồng/kg. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2024, giá lươn thịt cỡ nhất (lươn đạt trọng lượng từ 250gram/con trở lên) có giá 115.000 đồng/kg; đến giữa năm 2024, giá tăng lên 120.000 đồng và những tháng cuối năm duy trì giá 125.000 đồng/kg cho đến nay; còn lươn bán xô ngang giá dao động từ 100.000 đồng/kg.
“Vợ chồng tôi lớn tuổi không còn làm ruộng được nên cho mướn đất để có thời gian chăm sóc các bể lươn và trông coi 1 nhà nuôi yến. Hai mô hình này mang lại lợi nhuận thu hơn 500 triệu đồng mỗi năm; trong đó, lợi nhuận từ nuôi lươn khoảng 250 triệu đồng. Lươn nuôi khá dễ, ít tốn công chăm sóc và ít xảy ra dịch bệnh hơn so với nuôi lợn.
Tuy nhiên, thời gian nuôi khá dài, khoảng 10-11 tháng mới thu hoạch; đồng thời chi phí con giống và thức ăn cũng khá cao, người nuôi phải bỏ ra khoảng 80.000 đồng mới nuôi được 1 kí lươn thương phẩm, vậy nên giá lươn thịt phải duy trì từ 100.000 đồng trở lên người nuôi mới có lời tương xứng với công sức và thời gian bỏ ra”, bà Trang chia sẻ.
Tại huyện U Minh Thượng, mô hình nuôi lươn không bùn cũng có xu hướng phát triển trong những năm gần đây và được nông dân và ngành nông nghiệp đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mang lại.
Anh Trần Văn Toại, ngụ ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết gia đình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng từ năm 2022 đến nay với 6 bể lươn và đã xuất bán được 5 lứa lươn thịt với hơn 13 tấn. Riêng năm 2024 xuất bán hơn 3 tấn với giá từ 115.000-120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn và tiền điện, nước lợi nhuận khoảng 110 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Duy Tân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện U Minh Thượng cho biết, so với các huyện, thành phố khác ở Kiên Giang, mô hình nuôi lươn không bùn được nông dân huyện áp dụng muộn hơn và phát triển mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây, nhất là sau các đợt xảy ra dịch bệnh lợn tai xanh, bệnh dịch tả lợn châu Phi, nông dân chuyển sang mô hình nuôi lươn và tận dụng chuồng lợn cũ để thả nuôi.
“Hiện tại huyện có hơn 35 hộ nuôi lươn không bùn với hơn 150 bể nuôi, sản lượng mỗi năm khoảng 100 tấn lươn thương phẩm. So với những năm trước, giá lươn thịt năm 2024 tương đối ổn định ở mức từ 110.000-125.000 đảm bảo người nuôi có lời hơn 30% so với chi phí đầu tư, tương đương với khoảng 25.000-30.000 đồng/mỗi kí lươn thương phẩm và mức lợi nhuận này cao hơn so với nuôi lợn”, ông Tân cho hay.
Tiến sĩ Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua nghề nuôi lươn phát triển mạnh tại các tỉnh vùng nước ngọt Đồng bằng sông Cửu Long. Nhất là từ sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn tai xanh bùng phát vào những năm 2018-2020 nông dân chăn nuôi nông hộ chuyển sang nuôi thủy sản, tận dụng chính chuồng nuôi lợn để sửa lại thành bể nuôi lươn không bùn.
Số hộ nuôi tăng mạnh khiến nguồn cung vượt cầu, trong khi thị trường xuất khẩu lươn rất hạn chế, chủ yếu tiêu thụ nội địa, nên dội hàng, khó tiêu thụ nên trong năm 2022 và 2023 giá lươn thịt giảm mạnh, dao động từ 95.000-80.000 đồng/kg.Với mức giá này người nuôi hòa vốn, thậm chí lỗ vốn nếu lươn nuôi không đạt đầu con.
Tỉnh Kiên Giang hiện có có khoảng 360 hộ nuôi lươn không bùn với gần 1.650 bể nuôi. Một số huyện có nhiều nông dân áp dụng mô hình này gồm Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, An Minh, U Minh Thượng… chủ yếu nông dân lươn theo hình thức tự phát.
Theo ông Dũng đánh giá, mô hình nuôi lươn không bùn dễ áp dụng, chi phí đầu tư tương đối thấp và ít xảy ra dịch bệnh nên được nhiều nông dân tận dụng không gian xung quanh nhà, hoặc chuồng nuôi lợn bỏ trống sau các đợt dịch lợn tai xanh để chuyển sang nuôi lươn. So với những năm trước chủ yếu người dân nuôi lươn không bùn để giúp tăng thêm thu nhập, vài năm gần đây mô hình nuôi lươn không bùn trở thành nghề chủ lực phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong tỉnh với quy mô nuôi khá lớn, từ 20.000-30.000 con/hộ/năm.
Để mô hình nuôi lươn không bùn phát triển ổn định trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang Lê Văn Dũng cho biết, ngành tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp chuyên thu mua chế biến và xuất khẩu lươn thương phẩm để giới thiệu, kết nối thu mua, bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định với các tổ hợp tác nuôi lươn của tỉnh; thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi; vận động thành lập tổ hợp tác nuôi lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng mô hình mẫu để nông dân tham quan học hỏi và áp dụng; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các hộ nuôi lươn phát triển số lượng ổn định, có chất lượng, không dùng kháng sinh để đảm bảo cho các doanh nghiệp xuất khẩu.