Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin về một cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thụy Sĩ đã ngỏ ý sẵn sàng đứng ra sắp xếp một cuộc họp cấp cao như vậy.
Thông tin trên được báo Le Temps (Thụy Sĩ) đưa hôm 12/1, dẫn lời ông Nicolas Bideau, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ.
Theo ấn phẩm này, ông Bideau đã nhắc đến hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 năm ngoái, nói rằng sau hội nghị, cả Ukraine, Nga và Mỹ đều đã được thông báo thường xuyên về thiện chí của Bern trong việc tạo điều kiện cho các sáng kiến ngoại giao.
"Sau hội nghị thượng đỉnh khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Bürgenstock, Ukraine, Nga và Mỹ đã được thông báo thường xuyên về thiện chí của chúng tôi trong việc hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm hòa bình", ông Bideau cho biết, theo trích dẫn của báo Le Temps.
Điện Kremlin tuyên bố rằng ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, chỉ cần sự sẵn lòng và ý chí chính trị từ cả hai bên. Không có kế hoạch hay ngày cụ thể nào được ấn định, nhưng phía Nga cho biết bất kỳ cuộc gặp mặt trực tiếp nào giữa hai nhà lãnh đạo cũng sẽ chỉ diễn ra sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ đưa Kiev và Moscow vào bàn đàm phán và nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến toàn diện đang sắp tròn 3 năm và bước sang năm thứ 4. Gần đây, ông đã nói với các phóng viên rằng các sắp xếp cho một cuộc gặp với ông Putin đang được tiến hành.
Vào ngày 9/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga. "Ông ấy muốn gặp, và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó… Tổng thống Putin muốn gặp. Ông ấy thậm chí đã nói điều đó trước công chúng, và chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này", ông Trump tuyên bố.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng cho biết các đề xuất hòa bình cụ thể vẫn đang được thực hiện. Một đề xuất được cho là bị rò rỉ từ nhóm của ông Trump – bao gồm đóng băng tiền tuyến, hoãn việc Ukraine gia nhập NATO trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu trên thực địa – đã bị Nga bác bỏ.
Nhiều quốc gia đã ngỏ ý sẵn sàng trở thành địa điểm cho hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Nga gặp mặt trực tiếp. Trong trường hợp của Thụy Sĩ, vướng mắc có thể nảy sinh từ lệnh bắt giữ mà Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành đối với ông Putin vào tháng 3/2023 với cáo buộc liên quan đến việc đưa trẻ em Ukraine sang Nga.
Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc và coi lệnh bắt giữ của ICC là vô hiệu vì Nga không phải là một bên ký kết Quy chế Rome thành lập ICC. Trong khi đó, Thụy Sĩ là thành viên ICC và nước này có nghĩa vụ pháp lý phải bắt giữ ông Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đặt chân đến quốc gia vùng Alps.
Tuy nhiên, theo báo Le Temps, ông Bideau cho biết Hội đồng Liên bang có thẩm quyền cấp ngoại lệ trong các tình huống liên quan đến đàm phán hòa bình. Ngoài ra, Thụy Sĩ sẽ không dẫn đầu trong việc tổ chức các cuộc đàm phán, mà chính các quốc gia liên quan phải là bên đưa ra động thái đầu tiên.
Minh Đức (Theo Kyiv Independent, TASS)