Thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2024 tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tăng điểm số cho 10 chỉ số thành phần PCI, phấn đấu đạt mức tổng điểm từ 71,70 điểm trở lên (tăng 2,61 điểm so với năm 2023) và đưa chỉ số PCI Ninh Thuận vào top 10 bảng xếp hạng toàn quốc, xếp trong nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm tốt nhất cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Ninh Thuận đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành chung và 10 nhóm giải pháp cụ thể để tăng điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI. Trong đó, tỉnh tập trung cải thiện để tăng điểm số và thứ hạng của hai chỉ số thành phần quan trọng gồm: Chỉ số tính minh bạch (phấn đấu đạt trên 6,15 điểm giá trị trở lên; điểm số PCI đạt trên 3,08 điểm, tăng 0,14 điểm so với năm 2023) và chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (phấn đấu đạt trên 6,45 điểm giá trị trở lên; điểm số PCI đạt trên 9,68 điểm, tăng 0,92 điểm so với năm 2023).
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần, trách nhiệm tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị để khơi thông các điểm nghẽn với tinh thần “sớm nhất, hiệu quả nhất”.
Để nâng cao điểm Chỉ số tính minh bạch, UBND tỉnh giao các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch và UBND các huyện, thành phố công khai đầy đủ, kịp thời các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư; các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thành phần của các cơ quan, đơn vị, địa phương để phục vụ cho định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công toàn trình và một phần liên quan đến công việc, hoạt động của doanh nghiệp. Các đơn vị tăng cường công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát trong công tác đấu thầu; tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kịp thời cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra công vụ, phòng chống tham nhũng; công khai minh bạch trong chỉ đạo điều hành để hạn chế tối đa tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng “mối quan hệ” trong hoạt động kinh doanh.
Đối với Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện các giải pháp bao gồm: phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; phát triển nguồn nhân lực; hình thành các chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số; đổi mới, chuyển giao công nghệ, phát triển thương hiệu và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ và các hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực, thủ tục và chính sách của tỉnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để tiếp tục cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, địa phương tiếp tục triển khai chương trình hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển thương mại điện tử, kinh tế số.
Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thời gian tới tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh. Đồng thời tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Cơ quan chức năng tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp; đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, giải quyết thục tục hành chính cấp giấy phép về điều kiện kinh doanh.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh Ninh Thuận đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm (năm 2022 đạt 65,43 điểm), tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của cả nước.
Với sự tích cực và quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số PCI của các cấp ngành, địa phương, môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Thuận ngày càng được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.