"Nhà giáo lương đủ sống thì chẳng cần phải đi dạy thêm"

12/05/2025 12:17

ĐBQH Bế Trung Anh cho rằng việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tuy nhiên không phải ai và môn học nào cũng có thể dạy thêm.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Tuần qua, tại chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Dạy thêm, học thêm là nội dung nhận được nhiều sự quan của các ĐBQH tại phiên thảo luận. 

Trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội xoay quanh vấn đề dạy thêm, học thêm, ĐBQH Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

"Nếu một nhà giáo hàng ngày đi làm đồng lương đã đủ sống thì cũng không việc gì phải đi dạy thêm", ông Bế Trung Anh nói và cho rằng không phải ai cũng có thể dạy thêm được và không phải môn học nào cũng có thể dạy thêm như thể dục hay môn đạo đức.

"Việc dạy thêm xuất phát từ sự hiếu học, người học có nhu cầu thì tại sao giáo viên lại không dạy?", ông Trung Anh đặt câu hỏi và cho biết việc cần làm là nắn chỉnh thế nào cho đúng với tinh thần "hiếu học" hơn là câu chuyện "hiếu dạy".

"Nhà giáo lương đủ sống thì chẳng cần phải đi dạy thêm"- Ảnh 1.

ĐBQH Bế Trung Anh (Ảnh: Hoàng Bích).

Ông phân tích, hiện nay vấn đề nay đang được dư luận quan tâm và đẩy theo hướng thiếu tích cực đó là một số giáo viên dạy học theo cách dạy chưa đủ khối lượng trên lớp để dành cho việc dạy thêm, nhưng việc này không nhiều.

Ông cũng nêu thực tế thu nhập của giáo viên hiện nay còn thấp so với các ngành nghề khác. Do đó, theo ông vẫn nên có những quy định cụ thể cho nhà giáo được hành nghề, có điều kiện dạy thêm.

Làm rõ khái niệm "ép học sinh học thêm"

Trao đổi bên lề, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết Luật Nhà giáo đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ, đặc biệt với vấn đề từ trước đến nay vẫn còn tạo ra khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

"Nhà giáo lương đủ sống thì chẳng cần phải đi dạy thêm"- Ảnh 2.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Ảnh: Hoàng Bích).

Bà nêu ví dụ như độ tuổi đối với cô giáo mầm non, dự án Luật đã có những chế độ giúp đội ngũ giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu sớm hơn, những người có trình độ chuyên môn, giáo sư có thể tăng tuổi nghỉ hưu để tiếp tục dạy học.

Cùng với đó, theo đại biểu chế độ, chính sách liên quan đến giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa cũng đã có hỗ trợ, tạo điều kiện.

Với những chế độ chính sách như vậy, nữ đại biểu đoàn Hòa Bình cho rằng, đội ngũ các thầy cô giáo cũng cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên hàng năm cần có những quy định để các thầy cô phát huy được khả năng. Đồng thời, cũng cần luôn luôn đổi mới, sáng tạo, truyền cảm hứng cho học sinh.

Nói về việc dạy thêm, học thêm, bà Ngọc cho hay trong thời gian qua đã có rất nhiều cử tri và nhân dân quan tâm.

"Tuy nhiên, trong dự án Luật Nhà giáo cũng không thể quy định một cách đầy đủ về dạy thêm, học thêm trong dự án Luật, tại Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm đã quy định rõ về vấn đề này", bà Ngọc chia sẻ.

Theo đại biểu, yêu cầu về dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh. Do đó, cần phải có những cơ chế để đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh dễ dàng tiếp cận được với đội ngũ thầy cô giáo có trình độ, có chuyên môn giúp học sinh có điều kiện tiếp thu kiến thức.

Với vấn đề dạy thêm, học thêm còn nhiều ý kiến, đại biểu mong nội dung trong dự án Luật cần rõ hơn, đồng hành với đó là Thông tư 29 hướng dẫn thì vấn đề này sẽ được giải quyết một cách thấu đáo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói về việc mở rộng đối tượng định danh nhà giáo

ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum ) cho rằng nên nhìn nhận dạy thêm, học thêm từ góc độ khối lượng chương trình học.

Nếu chương trình và phương pháp dạy ở trường hiệu quả, giúp học sinh nắm vững kiến thức tại lớp, các em sẽ không có nhu cầu học thêm.

"Chúng ta cần xem chương trình dạy và học hiện tại có quá tải hay không? Có cần thiết phải giảm tải chương trình và lượng kiến thức cho học sinh hay không?", đại biểu nêu vấn đề và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát lại chương trình và lượng kiến thức trong chương trình hiện nay.

Trong khi đó, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), dạy thêm, học thêm là có nhu cầu, nhưng việc cấm nhà giáo ép buộc học sinh học thêm là rất đúng. 

"Thực tiễn không nhất thiết phải ép, chỉ cần giáo viên gợi ý là học trò phải đi học, vì trong cùng một lớp người học, người không học là rất khác", ông Hòa nêu và đề nghị làm rõ khái niệm "ép học sinh học thêm" trong dự thảo Luật.

Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc không được làm:

Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức; nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này và hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, nhà giáo không được làm các việc sau: Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Dự thảo luật cũng quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; đăng tải, phát tán thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không chính xác về nhà giáo; các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết ""Nhà giáo lương đủ sống thì chẳng cần phải đi dạy thêm"" tại chuyên mục Văn hóa - Giáo dục. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline ( 0902 569 321) hoặc gửi về địa chỉ email (doanhnghiepvacuocsong@gmail.com).